TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN 33 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP

Sự kiện nổi bật

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN 33 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP


Lịch sử là một dòng chảy nhưng bao giờ cũng có cái khởi nguồn. Cái khởi đầu tốt đẹp từ trí tuệ và nhân văn sẽ hứa hẹn một tương lai tươi sáng và CADI-SUN đã có một cái khởi nguồn như vậy. Chặng đường đi tới thành công của CADI-SUN đã có biết bao lần đứng trước khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua. Thế nhưng, “thời thế tạo anh hùng”, khó khăn vẫn luôn mở ra cơ hội phát triển cho những ai biết tận dụng và phấn đấu, nỗ lực hết mình. Con đường đi tới thành công của Công ty CADI-SUN không chỉ là niềm tự hào của lớp lớp thế hệ thành viên trong “Đại gia đình CADI-SUN” mà còn là bài học thành công cho những ai muốn xây dựng một sự nghiệp, một thương hiệu có uy tín.

Ngược dòng thời gian trở lại 33 năm trước (giai đoạn cuối năm 1984), nhà nước chủ trương cải tiến cơ chế quản lý từ bao cấp sang hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Thành phố Hà Nội đã cấp giấy phép hoạt động cho nhiều tổ hợp tác sản xuất tiểu thủ công nghiệp do các tổ chức, cá nhân quản lý. Ngày 27/2/1985 Tổ hợp tác Thượng Đình do bà Phan Thị Thọ (mẹ của doanh nhân Phạm Lương Hòa) làm tổ trưởng được thành lập. Tuy không đứng tên làm tổ trưởng trong giấy phép kinh doanh do chưa phải là Đảng viên, nhưng doanh nhân Phạm Lương Hòa lúc đó lại là người chính đứng ra quản lý, điều hành toàn bộ Tổ hợp tác.

Có thể nói sự ra đời của Tổ hợp tác Thượng Đình đã đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời tạo lập sự nghiệp của doanh nhân Phạm Lương Hòa, là điểm xuất phát khởi nghiệp, là tiền thân của một tập đoàn kinh tế lớn mạnh sau này bởi trải qua 13 năm làm cơ khí (từ giai đoạn 1976 khi gia đình tham gia Tổ hợp tác Nguyên Sinh cùng với ông Châu ở đường Láng), doanh nhân Phạm Lương Hòa cũng đã nếm đủ mọi nỗi vất vả, niềm vui của sự thành công và đắng cay của sự thất bại. “Cái lán dân công” với chức năng vừa làm trụ sở tại tổ 41 phường Thượng Đình-Quận Đống Đa (nay là tổ 13 phường Thượng Đình-Quận Thanh Xuân), vừa là nhà xưởng đã chứng kiến biết bao nhiêu thăng trầm, buồn vui, thành công và đắng cay của sự thất bại. Từ ông Phạm Hữu Công, người đầu tiên khởi xướng cũng là người dành biết bao công sức và tâm huyết chăm lo, vun vén cho tổ hợp tác phát triển. Đến bà Phan Thị Thọ, người phụ nữ ngày đêm tần tảo vừa chăm lo gia đình, vừa quán xuyến cơ sở sản xuất. Rồi ông Phạm Lương Hòa; ông Phạm Lương Bằng; ông Phạm Lương Bình cùng các anh, em chí cốt cùng nhau ngày đêm chung tay xây dựng cơ đồ, sự nghiệp của gia đình. Tổ hợp tác Thượng Đình thời điểm đó chủ yếu sản xuất, kinh doanh mũ pê-đan xe đạp và một số sản phẩm cơ khí (chậu, cặp lồng, nồi xong, gác ba ga xe đạp). Để có nguồn vốn sản xuất trong khi mọi thành viên Tổ hợp tác đều là “người vô sản”, doanh nhân Phạm Lương Hòa đã phải tìm mọi cách chạy vạy, vay vốn cá nhân với lãi xuất cao và tận dụng nguồn vốn gối đầu từ mua bán vật tư.

Do tác động xấu của “ Tổng điều chỉnh Giá, Lương, Tiền” năm 1985 cộng thêm tốc độ lạm phát “phi mã” mà đỉnh cao là năm 1986 (tăng 774,7 %) công việc làm ăn của Tổ hợp tác gặp không ít khó khăn. Giai đoạn 1986-1989, doanh nhân Phạm Lương Hòa chủ trương liên kết gia công cho các cơ sở sản xuất Quốc doanh như: Công ty Điện máy, nhà máy xe đạp Thống Nhất… Các nguyên liệu, vật tư chính để sản xuất như: nhôm, niken, nhựa… được tổ hợp tác nhập về chế biến, pha trộn làm ra sản phẩm mới có mẫu mã đẹp, chất lượng và tiết kiệm nguyên liệu, được các doanh nghiệp Quốc doanh chấp nhận, đánh giá cao.

Năm 1989, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã và sau đó là Liên Xô sụp đổ. Nền kinh tế nước ta lâm vào những khó khăn mới. Cơ chế quản lý kinh tế cũ không còn phù hợp, hàng loạt hợp tác xã nông nghiệp, thủ công nghiệp tan rã hoặc giải thể. Các nhà máy, xí nghiệp nhà nước bị thua lỗ, sản xuất đình đốn, nhiều đơn vị cho công nhân nghỉ việc trong lúc chờ giải thể. Các sản phẩm cơ khí, điện máy trên thị trường ế ẩm, Tổ hợp tác Thượng Đình đứng trước hai sự lựa chọn: Hoặc là giải thể? hoặc chuyển đổi phương thức sản xuất kinh doanh để tiếp tục tồn tại và phát triển?
Nắm bắt chủ trương của Nhà nước tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn Quốc lần thứ VII đó là phải đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó “điện khí hóa sẽ đi trước một bước”. Năm 1990 doanh nhân Phạm Lương Hòa quyết định chuyển hướng sản xuất kinh doanh sang mặt hàng dây điện. Có thể nói đây là một quyết định táo bạo và tương đối “khác người” theo nhận định của một số doanh nhân thời điểm đó. Tuy nhiên thời thế tạo anh hùng, một người muốn thành công là phải biết tận dụng “thời thế” và đôi khi “chấp nhận mạo hiểm”.

Để có thể lãnh đạo Tổ hợp tác đứng vững và phát triển theo hướng mới doanh nhân Phạm Lương Hòa đã dành rất nhiều thời gian, tâm huyết.. tìm hiểu cách thức sản xuất dây điện. Đầu tiên là làm việc với cán bộ ở Bộ Nội Thương để được chỉ dẫn về xây dựng các nhà máy điện, cách thức tiếp cận các cơ quan phụ trách năng lượng. Tiếp theo ông cùng với các anh em chí cốt tự học hỏi, nghiên cứu mẫu mã, cách thức sản xuất của các loại dây điện đang bán chạy tại thị trường để tìm hướng đi thích hợp. Một số cán bộ, chủ chốt của tổ hợp tác được cử đi học tại các nhà máy ở miền Nam hoặc một số chuyên gia của Trung Quốc để gia tăng kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh.

Năm 1990-1992 Việt Nam chủ trương sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước. Nhiều cán bộ, công nhân, viên chức thuộc diện “lao động dôi dư” phải nghỉ việc theo quyết định số 176-QĐ/HĐBT của Hội đồng Bộ Trưởng (nay là Chính Phủ), Tổ hợp tác Thượng Đình đón nhận một số cán bộ kỹ thuật chuyển sang từ “Nhà nước”. Những người này về sau được coi là “tổ sư” của Tổ hợp tác Thượng Đình như: ông Phạm Lương Bằng (nay là Phó tổng giám đốc phụ trách nhà máy Đại Dương; ông Nguyễn Minh Thành (nay là Phó tổng giám đốc kinh doanh); ông Đỗ Kiên Cường (nay là giám đốc chi nhánh Đà Nẵng); ông Đỗ Đình Hùng (nay là Giám đốc chi nhánh Hồ Chí Minh); ông Nguyễn Đình Thụ (nay là Giám đốc Khai thác Dự án); chị Nguyễn Thị Thêm (nay là Giám đốc Tài chính)… tất cả đều được doanh nhân Phạm Lương Hòa “chiêu hiền đãi sỹ” mời về để cùng nhau tạo dựng sự nghiệp.

Giai đoạn 1991-1996, sản phẩm của Tổ hợp tác sản xuất ra có chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã không thua kém các nhà máy quốc doanh do vậy bán rất chạy. Bình quân mỗi ngày sản xuất vài trăm cuộn dây điện (mỗi cuộn dài 200m) và sản xuất ra đến đâu bán hết đến đó. Công nhân phải làm việc theo ca ngày, đêm, làm cả ngày 30 tết để đáp ứng kịp thời yêu cầu của khách hàng. Chỉ với những chiếc xe máy cà tàng, nhưng với niềm đam mê và khát vọng làm giàu chính đáng, bộ phận Kinh doanh đã không quản ngại đường xá xa xôi, đèo cao vực thẳm, giao thông khó khăn để đến với khách hàng. Từ các trung tâm mua bán đồ điện lớn ở Hà Nội như: chợ Trời, phố Hàng Cháo, Nguyễn Thái Học, Cát Linh, Trần Phú…sản phẩm được mang tới các địa bàn ở xa như: Hải Phòng, Nam Định, Sơn La, Hà Giang, Quảng Ninh, Nghệ An…, có những lúc đột xuất các anh phải chạy xe máy cả đêm để vào tận Hà Tĩnh, Quảng Bình để gặp gỡ, giao thương.

Tổ hợp tác ngày càng phát triển, đến lúc phải tính đến mở rộng quy mô sản xuất. Năm 1993 doanh nhân Phạm Lương Hòa đầu tư mua 300 m2 đất ở ngõ 324 xã Khương Đình, huyện Thanh trì (nay là phường Hạ Đình-Quận Thanh Xuân) để làm nhà xưởng và chuyển một số máy móc về sản xuất tại địa chỉ này. Năm 1995, ông tiếp tục thuê đất “vườn táo các cụ” tại ngõ 320 xã Khương Đình, huyện Thanh Trì (nay là ngõ 320 đường Khương Đình, phường Hạ Đình-Quận Thanh Xuân-Hà Nội) để mở rộng sản xuất cho đến khi nhận được quyết định cho thuê đất của UBND Thành Phố Hà Nội. Một số dây chuyền, thiết bị sản xuất được đầu tư bổ sung thay thế các công đoạn thủ công trước đó.

Năm 1999, bức tranh tổng thể của nền kinh tế Việt Nam đã có những gam màu tươi sáng do ít chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính khu vực. Chủ trương chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng XHCN của Đảng và Nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh. Nền kinh tế nước ta đang có chuyển dịch mạnh về cơ cấu các thành phần kinh tế, cơ cấu nguồn nhân lực. Thành phần kinh tế nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo. Bên cạnh đó, các thành phần kinh tế khác như: kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng được khuyến khích phát triển. Tất cả những thay đổi đó là cơ hội lớn cũng là thách thức mới đối với tất cả các doanh nghiệp Việt Nam lúc này, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân. Nắm bắt thời cơ đó, Tổ hợp tác đã có phương án trình UBND thành phố Hà Nội xin chuyển đổi mô hình hoạt động. Ngày 20/4/1999, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 071253 công nhận tư cách pháp nhân của doanh nghiệp với tên gọi công ty TNHH Thượng Đình (ngày 15/04/2002 chuyển đổi thành Công ty TNHH Dây và Cáp điện Thượng Đình)

Cũng trong năm này, khi các doanh nghiệp Việt Nam còn đang mải miết loay hoay với bài toán làm sao có thể đẩy mạnh sản xuất bằng các thiết bị thủ công, lạc hậu? làm sao để định vị và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường? Thì Công ty TNHH Thượng Đình, đứng đầu là doanh nhân Phạm Lương Hòa lại mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đầu tư mới thay thế các dây chuyền, thiết bị cũ, lạc hậu. Ngày 24/2/2000, UBND Thành Phố Hà Nội đã có Quyết định số 746/QĐ-UB cho Công ty TNHH Thượng Đình thuê 6.062 m2 tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân-Hà Nội. Nhà máy số 1 (nay là nhà máy Đại Dương), một cơ ngơi khang trang mọc lên với đầy đủ trang thiết bị sản xuất dây cáp điện hiện đại được đầu tư đồng bộ theo phương thức chuyển giao công nghệ của Hàn Quốc, Đài Loan với tổng vốn đầu tư ban đầu trên 50 tỷ đồng. Đây được coi là mốc son quan trọng đánh dấu một khởi đầu trong quá trình lịch sử 33 năm hình thành phát triển doanh nghiệp và 19 năm thành lập Công ty CADI-SUN.

              Năm 2001, tại Việt Nam có một số nhà sản xuất dây cáp điện theo mô hình nhà nước có tên tuổi. Các doanh nghiệp tư nhân còn lại, sản xuất còn manh mún, chưa đầu tư-quan tâm đến thương hiệu. Một ý tưởng lóe lên trong đầu doanh nhân Phạm Lương Hòa, ông nghĩ: “con người sinh ra phải có tên tuổi thì mới thành công, vậy tại sao sản phẩm của Thượng Đình lại chưa có tên, một cái tên ý nghĩa để người tiêu dùng nghĩ và nhớ đến”. Sau khi tham khảo ý kiến một vài người bạn, thuê một vài đơn vị thiết kế ý tưởng ông quyết định lấy CADI-SUN là nhãn hiệu của sản phẩm. Theo ông CADI-SUN là từ ghép của CADI (cáp điện) và từ SUN (mặt trời). “Cáp điện mặt trời” là thể hiện ý chí vươn lên và khát vọng của doanh nghiệp mong muốn đem ánh sáng, niềm vui tới mọi gia đình. Logo CADI- SUN có kết cấu gồm hai đường tròn đồng tâm (theo thuyết ngũ hành) thể hiện tâm của vạn vật; biểu trưng cho quy luật của trời đất; thể hiện mong muốn hòa mình, hợp tác và phát triển cùng thế giới và nhân loại. Hình ảnh quả địa cầu cách điệu thể hiện một thế giới rộng lớn, chuyển động không ngừng. Hai đường tròn kết hợp với ngôi sao bốn cánh bên trong còn tượng trưng cho mặt cắt của sản phẩm, kéo dài thành lô cáp thành phầm và kéo dài mãi thành đường dây điện trên nền tảng vững chắc của thương hiệu CADI-SUN. Hình ảnh giá đỡ mang nhãn hiệu CADI-SUN vừa thể hiện sự bền vững, độc lập về mặt tổ chức, vững chắc về mặt tài chính vừa thể hiện sự mềm mại uyển chuyển trong phục vụ, chăm sóc khách hàng. Giá đỡ logo CADI-SUN biểu trưng cho đập ngăn nước thuỷ điện đang ngày đêm tạo ra nguồn điện năng và truyền tải bằng hệ thống dây cáp điện CADI-SUN “chất lượng, an toàn, tiết kiệm điện năng”.

              Trong buổi làm việc với Chủ tịch UBND thành Phố Hà Nội-Hoàng Văn Nghiên và Phó bí thư Thành ủy Hà Nội-Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam) các đ/c lãnh đạo Thành phố đã có ý kiến: Để phát triển, doanh nghiệp cần phải mạnh dạn, cần phải đầu tư đồng bộ để thúc đẩy sản xuất, gia tăng doanh số… xứng đáng là doanh nghiệp dẫn đầu ngành Công nghiệp Thủ đô. Doanh nhân Phạm Lương Hòa nhận thấy, để quản lý tốt, doanh nghiệp phải tạo ra cách quản lý đồng bộ theo hệ thống. Năm 2002, CADI-SUN nộp hồ sơ lên Trung tâm Quacert (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam) xin được hướng dẫn và cấp chứng chỉ quản lý theo hệ thống ISO và ngày 10/6/2002, CADI-SUN chính thức được trung tâm Quacert cấp chứng chỉ phù hợp tiêu chuẩn ISO 9001:2000 (nay là ISO 9001:2015). Việc thay đổi mô hình, phương thức quản lý một lần nữa khẳng định tầm nhìn chiến lược của “ông chủ” doanh nghiệp tại thời điểm các doanh nghiệp đổi mới, vươn lên.

              Năm 2002, khi tiến trình “công nghiệp hoá, hiện đại hóa” ở Việt Nam đang giai đoạn phát triển mạnh, các công trình, dự án điện, xây dựng lưới điện quốc gia “mọc lên như nấm”. Hệ thống truyền tải điện năng 500kV; 220 kV, 110 kV từ các nhà máy thủy điện, nhiệt điện đòi hỏi nhu cầu cao về sản phẩm dây cáp điện. Dự án Năng lượng Nông thôn II (REII) từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (World Bank)) đã  bắt đầu rục rịch khởi động. Năng lực sản xuất của Nhà máy số 1 ở Hà Nội đã không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường và việc đầu tư xây dựng thêm nhà máy, mở rộng sản xuất, kinh doanh là đòi hỏi mang tính bức thiết và phù hợp với điều kiện khách quan của thị trường.

              Tháng 10 năm 2003, được sự tài trợ vốn của ngân hàng, CADI-SUN tiếp tục đầu tư trên 100 tỷ đồng xây dựng Nhà máy số 2 trên mặt bằng 46.000 m 2  tại  xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương (nay là nhà máy Bắc Dương). Trong hơn nửa năm vừa tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng, vừa san lấp xây dựng nhà xưởng, lắp đặt dây truyền thiết bị công nghệ, tuyển dụng công nhân, thành lập các phòng ban chuyên môn, nghiệp vụ... đến tháng 6/2004 nhà máy chính thức đi vào hoạt động và cho ra lò những sản phẩm dây cáp điện đầu tiên. Cũng trong năm này CADI-SUN đầu tư thành công phòng Thử nghiệm theo tiêu chuẩn Quốc tế ISO/IEC 17025; mở rộng nhà xưởng sản xuất; đầu tư bổ sung các trang thiết bị máy móc nâng cao năng lực sản xuất cho 02 nhà máy; đa dạng hóa các sản phẩm nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng trên cả nước.

Năm 2005: CADI-SUN thành lập chi nhánh và mở kho hàng tại Thành phố HCM
  • Xây dựng, hoạch định các chính sách phát triển thương hiệu và tổ chức nhiều hoạt động nhằm bảo vệ sự bất khả xâm phạm của nhãn hiệu CADI-SUN
  • Kiện toàn lại cơ cấu bộ máy nhân sự theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả. Nhiều cán bộ trẻ có năng lực, có trình độ được tiếp nhận vào công ty làm việc và sau này đã trở thành những lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp như ông Huỳnh Tấn Quyền (nay là Phó TGĐ Hành chính); ông Phạm Mạnh Hải (nay là Giám đốc xuất nhập khẩu); ông Tăng Ngọc Mên (Giám đốc hành chính); bà Phạm Thị Ngọc Anh, Trần Thị Ánh Nguyệt (nay là giám đốc chi nhánh Hải Phòng/Thanh Hóa; ông Lưu Anh Tuấn (nay là giám đốc chi nhánh Nghệ An), ông Phan Phước Liêu (nay là giám đốc chi nhánh Tây nguyên)
  • Cũng trong năm này, Đại hội Đại biểu Công đoàn Công ty lần thứ nhất được tổ chức đã bầu bà Nguyễn Thanh Hồng là chủ tịch công đoàn cùng 9 ủy viên BCH. Lần đầu tiên sau 6 năm hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, một tổ chức Công đoàn đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đã được thiết lập, thể hiện ý chí, quyết tâm thay đổi của lãnh đạo vì một CADI-SUN phát triển thịnh vượng.
Năm 2006: CADI-SUN thành lập chi nhánh mở kho hàng tại Hải Phòng, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Tây Nguyên với mục tiêu vươn cánh tay dài của mình tới mọi miền của Tổ Quốc.
  • Xây dựng và điều chỉnh chiến lược kinh doanh theo hướng bám sát thị trường, mở rộng thị phần vào khu vực miền Trung, miền Nam.
  • Mở rộng mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài, từng bước đặt nền móng và triển khai các bước xâm nhập thị trường Quốc tế.
Năm 2007 Là năm thành công về mọi mặt của CADI-SUN. Thương hiệu CADI-SUN được nhiều người biết đến với tư cách là một Thương hiệu mạnh Quốc gia. Nhiều tập đoàn lớn trong nước và Quốc tế đã liên hệ và mong muốn hợp tác với CADI-SUN như Tập đoàn Sam One; Tập đoàn Dongyang; Tập đoàn Sang Jin…
Năm 2008: CADI-SUN tiếp tục đầu tư đất đai cho dự án Nam Dương tại tỉnh Bình Dương; ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư và chuyển giao công nghệ với tập đoàn Dongyang (Hàn Quốc); dự án sản xuất dây điện từ cao cấp nhằm mục tiêu đưa ra thị trường các sản phẩm có chất lượng theo tiêu chuẩn Quốc tế, từng bước hội nhập với nền kinh tế Quốc tế. Hai dự án sau này đã được Công ty quy hoạch, điều chỉnh thành dự án khác phù hợp hơn với nền kinh tế trong nước và sự phát của doanh nghiệp.
Mặc dù những tháng cuối năm 2008, sự suy thoái của nền tài chính Thế giới ảnh hưởng sâu sắc đến các doanh nghiệp Toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên với sự điều hành quyết đoán của ban lãnh đạo, sự cố gắng, quyếttâm của toàn thể cán bộ, nhân viên, CADI-SUN vẫn đảm bảo duy trì kinh tế ổn định và tăng trưởng nhẹ. Cũng trong năm này, CADI-SUN chính thức chuyển đổi mô hình từ công ty TNHH sang công ty cổ phần và nâng vốn điều lệ lên mức 200 tỷ VNĐ đồng.
Năm 2009: Thị trường tài chính Việt Nam và Quốc tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với tầm nhìn chiến lược, ban lãnh đạo CADI-SUN vẫn quyết định vận hành và phát triển doanh nghiệp theo đúng đường hướng đã đề ra
  • Phát hành cổ phiếu thu hút vốn đợt một và tiến hành Đại hội đồng cổ đông
  • Chuyển đổi mô hình 02 nhà máy và thành lập pháp nhân các công ty thành viên: Đại Dương; Bắc Dương; Hoàng Dương; Hồng Dương; Trường Dương và Nam Dương
  • Cấu trúc lại nguồn nhân lực; sắp xếp lại cơ cấu tổ chức; điều chỉnh mức lương tuyển dụng đầu vào sát với thị trường lao động nhằm khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực...
  • Chuyển đổi dây chuyền, thiết bị theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa; đầu tư bổ sung các máy móc thiết bị nhằm nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
  • Đầu tư mua đất xây dựng văn phòng chi nhánh tại Nghệ An; Đà Nẵng, Hồ Chí Minh…
Năm 2010: Kinh tế Thế giới đã bình ổn nhưng nền kinh tế trong nước lại có những biến động: lãi suất ngân hàng tăng cao, thị trường vàng nổi sóng, giá cả vật tư tăng chóng mặt, đồng tiền Việt mất giá… Trong lúc các doanh nghiệp khác “co lại” cố thủ hoặc sản xuất theo kiểu nhỏ giọt, cầm chừng để bảo toàn nguồn vốn thì CADI-SUN lại tận dụng tốt cơ hội, đẩy mạnh sản xuất và tung sản phẩm ra thị trường để chiếm lĩnh thị phần với tăng trưởng đột biến so với năm 2009.

CADI-SUN trở thành thương hiệu nổi bật khi lần đầu tiên đứng trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam. Cũng trong năm này lần thứ 2 liên tiếp sản phẩm dây và cáp điện của CADI-SUN được công nhận là Sản phẩm Công nghiệp chủ lực của Thành phố Hà Nội. Hơn thế nữa, tháng 12/2010 toàn thể cán bộ, công nhân viên Công ty lại vui mừng được đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba - phần thưởng cao quý của Đảng và Chính Phủ dành cho doanh nghiệp vì có thành tích tốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.

Năm 2011: Kinh tế Việt Nam và Thế giới vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Lạm phát và mặt bằng lãi suất cao gây áp lực cho các nhà sản xuất. Chính sách thắt chặt tiền tệ, cắt giảm đầu tư công của Chính phủ cộng thêm giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao làm thị trường dây và cáp điện giảm sút đáng kể. Nhưng với quyết tâm tiếp tục khẳng định mình kết quả hoạt động Sản xuất, kinh doanh năm 2011 của CADI-SUN vẫn thu được những kết quả đáng khích lệ. Điểm sáng trong bức tranh kinh tế của CADI-SUN năm 2011 là hoạt động xuất khẩu với doanh thu tăng trưởng 139% so với năm 2010. Công ty đã cơ bản hoàn thành 80% dự án đầu tư xây dựng Cụm CN Trường Dương Đầu tư mua đất Văn phòng chi nhánh Đăk Lăk; xây dựng và đưa vào sử dụng văn phòng chi nhánh Nghệ An, Thanh Hóa, Đà Nẵng …

CADI-SUN tiếp tục vượt 115 bậc, đứng thứ 283 trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tư nhân lớn và phát triển nhanh nhất Việt Nam; tiếp tục được UBND Thành phố Hà Nội tín nhiệm và công nhận là Sản phẩm Công nghiệp Chủ lực.
Năm 2012-2013: CADI-SUN được cấp  chứng chỉ quốc tế RoHS, VDE công nhận sản phẩm phù hợp với các tiêu chuẩn chất lượng của châu Âu, đây là tiền đề quan trọng để Công ty đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu ra nước ngoài. CADI-SUN trở thành đối tác thường xuyên của Vinadual-tập đoàn lớn của Hàn Quốc chuyên cung cấp linh kiện điện, điện tử cho các thương hiệu lớn trên thế giới như Sam Sung, LG với sản phẩm điện máy được tiêu thụ trên toàn cầu. Tại khu vực Đông Nam Á, Malaysia tiếp tục là thị trường nhiều tiềm năng của CADI-SUN với mặt hàng hạt nhựa PVC, dây cáp điện. Cũng trong năm này CADI-SUN tiếp tục vượt lên 15 bậc, đứng thứ 258 trong tốp 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam. Chủ tịch/Tổng giám đốc Công ty Phạm Lương Hòa vinh dự được nhận Huân chương Lao Động Hạng Ba của Chính Phủ.

Năm 2014: Đánh dấu chặng đường 15 năm thành lập công ty. Cụ bà Phan Thị Thọ, nhân chứng sống của quá trình hình thành và phát triển doanh  nghiêp tròn 90 tuổi. Tại lễ Thượng thượng thọ của Cụ, lớp lớp cháu con vẫn nhìn thấy cụ Thọ minh mẫn, nhanh nhẹn với khuôn mặt rạng ngời và nụ cười đôn hậu. Những đóa  hoa tươi thắm, những lời chúc mừng nồng nhiệt dành cho Cụ như những lời tri ân, hành động báo đáp công lao trời biển của thế hệ đi trước dành cho doanh nghiệp trong suốt chặng đường dài đã qua.
Năm 2014, Công ty đẩy mạnh đầu tư, phát triển sản xuất với các dự án trọng điểm như xây dựng Nhà máy sản xuất dây cáp điện Hoàng Dương; đầu tư dây chuyền sản xuất cáp trung thế tại Nhà máy Bắc Dương nhằm đảm bảo sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước với sản phầm ngoại nhập. Cũng trong năm này, Công ty đã ký kết thành công hợp đồng cho thuê đất tại Cụm Công nghiệp Lương Điền với hai Tập đoàn lớn đến từ Đài Loan là Fulgent Sun và Da Yun. Đây thực sự là một bước tiến mới trong chiến lược mở rộng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp theo hướng đa ngành nghề, đa Quốc gia.
Nhân kỷ niệm 60 ngày giải phóng Thủ đô, Chủ tịch/ TGĐ Phạm Lương Hòa được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu "Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô"; Công ty CADI-SUN vinh dự được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trao tặng Huân chương Lao động Hạng Nhì.

Năm 2015-2016
Nhà máy Hoàng Dương chính thức đi vào hoạt động với qui mô khang trang, hiện đại. Dây chuyền sản xuất Cáp điện Trung thế đã hoàn thành và sản xuất thử nghiệm thành công. Cụm Công nghiệp Lương Điền tiếp tục thu hút các nhà đầu tư đến từ Đài Loan, Hàn Quốc: Công ty vật liệu giầy An Dương; Công ty TNHH giầy Ngọc Hưng, Công ty TNHH Vina Sekyo.
Các dây chuyền sản xuất của nhà máy Hoàng Dương được đầu tư mới, đồng bộ từ các nước tiên tiến trên Thế giới như: Niehoff (Đức), Figeco-Samp (Ý), Gauder (Bỉ), Rosendahl-Unitek (Áo), Đài Loan... Các sản phẩm dây điện dân dụng, dây điện từ cao cấp; hạt nhựa PVC; vật tư đồng gia công … được sản xuất bằng các dây chuyền, công nghệ hiện đại đã cho ra các sản phẩm chất lượng nổi trội, khác biệt so với thị trường.

Năm 2017:
Mở đầu cho kỷ nguyên công nghệ số, CADI-SUN đầu tư hệ thống quản trị tổng thể doanh nghiệp ERP. Phần mềm này đã góp phần hỗ trợ tích cực cho hệ thống tự động hóa trên các dây chuyền, thiết bị các nhà máy và nâng cao hơn nữa năng lực quản lý của doanh nghiệp.

85% diện tích đất của cụm CN Lương Điền đã được các doanh nghiệp nước ngoài thuê, thu về khoản tài chính đáng kể góp phần quay nhanh vòng vốn và nâng cao khả năng đầu tư
Hoạt động quản lý chất lượng tại CADI-SUN cũng đã được thay thế từ phiên bản ISO 9001:2008 bằng Tiêu chuẩn ISO 9001:2015 có tên gọi đầy đủ là “Hệ thống Quản lý Chất lượng – Các yêu cầu (Quality Management Systems – Requirements), với những thay đổi đột phá, giúp doanh nghiệp đi vào quản lý thực chất trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu đang ngày càng phát triển.

Với việc tập trung đầu tư và đổi mới công nghệ, đến nay sản phẩm thương hiệu CADI-SUN đa dạng về chủng loại như: dây diện dân dụng; dây xe máy; dây điện từ; cáp điện hạ thế, trung thế; hạt nhựa PVC; dây nguồn dùng trong lắp đặt thiết bị điện với chất lượng nổi trội đã tạo nên lợi thế cạnh tranh mới trên thị trường. Tổng giá trị sản lượng sản xuất tăng trưởng 39%, doanh thu tăng trường 38% so với cùng kỳ. Công ty tiếp tục nâng 18 bậc trong bảng xếp hạng 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR 500).  Kết quả này là minh chứng rõ nét nhất cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững của CADI-SUN trong thời kỳ hội nhập kinh tế phát triển
 
Lịch sử là một dòng chảy nhưng bao giờ cũng có cái khởi đầu. Quãng thời gian đã qua là cả một chặng đường khó khăn với đầy rẫy những chông gai, thử thách. Để có được cơ ngơi và sự nghiệp tươi sáng như ngày hôm nay, chúng ta vô cùng biết ơn những lớp người đi trước đã dành biết bao tâm huyết, biết bao nhiêu trăn trở, nghĩ suy định hướng, dõi theo mỗi bước phát triển và thành công của công ty. Chúng ta cũng cảm ơn sự lãnh đạo và quản lý sáng suốt của Hội đồng quản trị/ Ban lãnh đạo Công ty, sự đóng góp, giúp đỡ của các khách hàng, đối tác, đặc biệt là sự phấn đấu, nỗ lực không biết mệt mỏi của toàn thể cán bộ, nhân viên trong suốt thời gian qua. Để hôm nay, sau 33 năm hi��nh thành và phát triển doanh nghiệp, 19 năm thành lập Công ty, CADI-SUN được biết đến là một nhãn hiệu uy tín hàng đầu.
 
Phát huy những thành tựu đạt được, cộng thêm những kinh nghiệm quý báu rút ra từ thực tiễn trong hoạt động quản lý, sản xuất và kinh doanh suốt thời gian vừa qua,CADI-SUN sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình để phát triển, để thành công và để trở thành biểu tượng của sức sống mãnh liệt, của sự đoàn kết, một biểu tượng về giá trị nhân văn và nhiều hơn thế nữa.
CÔNG TY CADI-SUN
Lượt xem: 9849
Họ tên*
Địa chỉ Email*
Tiêu đề*
Nội dung*