Giải nhất- T/g Trịnh Đình Tươi - Nhân viên KHVT nhà máy Bắc Dương

Tin tức

Hỗ trợ trực tuyến

Thi tìm hiểu Doanh nghiệp

Giải nhì toàn bài/ Giải nhất giải sáng tác- T/g Trịnh Đình Tươi - Nhân viên KHVT nhà máy Bắc Dương

Truyện ký: NGHIÊP ĐỜI
(tập 1: Mặn Đắng Mồ Hôi)

Miền Trung,.. cái miền quê nghèo với nắng gió và cát trắng đã gắn liền với nó và gia đình nó tự bao đời nay. Những đợt nắng như thiêu như đốt, những cơn đói hoành hành mà đến tận bây giờ trong ký ức nó vẫn còn mãi đó chưa nguôi. Cha theo mọi người đi biển, rồi mãi mãi không bao giờ về nữa. Để lại cho mẹ bao đêm khóc thầm không ngủ, và hơn hết là những nhọc nhằn lo toan cho nó và 2 đứa em nó vẫn đang tuổi đến trường.
Mưa… những trận mưa đầu mùa vùng cát mặn. Căn nhà lá như xiêu vẹo qua từng cơn gió mạnh. Mẹ nén những tiếng thở dài rồi vội vàng lấy thau lấy chậu hứng những chỗ rột. Nó ôm em vào lòng tránh nước, trong nhà mà tựa như thể đang ở ngoài sân. Cả ngày nay nó đi kéo muối thuê, trong người đã cảm thấy như nhừ xương cốt. Nhưng nhìn mẹ thế nó thấy thương. Nó thấy giận. Không, đúng hơn là nó hận, nó hận cái cuộc sống này sao bất công với gia đình, với quê hương nó đến thế.
“Dương, che cho các em, đưa chúng sang nhà bác Tư đi, mái nhà sắp sập rồi”- tiếng mẹ gọi nó trong hoảng loạn khiến những dòng suy tư của nó bị đứt quãng. Vội đưa các em sang nhờ nhà bác Tư, nó chạy về nhà dầm mưa cùng mẹ, nó chống ông thần gió. Cũng may, hôm đó nhà nó không đổ. Coi như ông trời vẫn còn có chút lương tâm, không cướp đi của mẹ con nó chỗ trú ẩn cuối cùng.
Tìm việc… nó phải đi tìm việc, chỉ có đi xa mới mong thoát khỏi cái đói cái nghèo này. Trong đầu nó luôn nghĩ, phải đi đâu đó xin việc làm thôi. Nhưng biết đi đâu bây giờ. Đã khi nào nó đi xa ra khỏi bãi cát đầu thôn đâu. 18 tuổi, cái tuổi mà chưa đủ lớn để thành chỗ dựa cho cả 1 gia đình. Cái tuổi mà đáng ra nếu như còn cha, thì nó cũng có thể xa cái vùng quê nghèo này lên thành phố học. Nó nhờ mấy anh chị xóm trên mới đi làm xa về giúp đỡ, làm hồ sơ, chuẩn bị tinh thần, chuẩn bị hành trang cho 1 chuyến đi dài. Chuyến đi ra tận ngoài bắc. Nói là hành trang cho oai thôi chứ thực ra chỉ là hai bộ quần áo, đã sờn, bạc phếch với thời gian. Nhìn chúng sao mà nhàu nhĩ, sau bao lần thấm đẫm mồ hôi thì những bộ quần áo đó nhìn cũng cũ kỹ, lấm lem như khuân mặc khắc khổ của nó vậy. Nó ra đi, mang theo hành trang và mang theo cả sự xốc nổi, bồng bột của tuổi trẻ.  Ấy vậy mà sau  một  ngày đường ra đến đất Hải Dương, nó quên cả mệt đi tìm việc. Mang tiếng là nhiều công ty vậy mà nó có xin được đâu. Chỗ nào cũng nói không tuyển con trai. Đi mấy ngày liền cũng chỉ gặp những câu trả lời tương tự “chưa tuyển” , “ không tuyển con trai”. Nó mệt mỏi, tuyệt vọng, nó chửi thề “ mẹ kiếp, con trai không là con người à”.
Chiều muộn, nó lang thang đi vô định, cũng chẳng biết đi đâu về đâu nữa. Cứ đi thôi. Đi để ngẫm cái cảnh đời, cái số phận mà nó vẫn tự nhủ là đen như chó mực. Mai nó đi nơi khác tìm việc thôi, chứ cứ thế này mãi không ổn. Số tiền mẹ dành dụm cho nó mang theo cũng đã hết. Chẳng lẽ cứ ăn nhờ ở đậu các anh các chị ấy mãi. Đang miên man suy nghĩ thì nó như bắt được vàng, khi nhìn thấy có công ty tuyển người. Chẳng biết cty đó làm cái gì, chỉ thấy nó cũng rất lớn. Mà làm gì với nó giờ không quan trọng chỉ cần có việc làm. Thế thôi. Nó chạy như bay về phòng trọ lấy hồ sơ, đến nộp, rồi đợi phỏng vấn, lại chờ đến ngày đi làm. Công ty gì tên gọi “cadi-sun” - thôi thế là tốt rồi, giờ thì sun hay xoăn gì cũng không quan trọng.
Ngày đầu tiên đi làm, nó vào tổ bọc. Lão tổ trưởng già nhìn cái mặt cứ khó đăm đăm. Chẳng khi nào thấy lão ta cười cả. Mỗi khi cười để lộ ra cả hàm răng  hoen ố bởi thuốc lào. Sau mấy ngày thử việc nó đi làm đêm. Cái lão tổ trưởng sai đủ mọi việc. “ vần lô đi”, “ lấy vật tư về đi” “ sang máy kia hỗ trợ rạch lại dây”… nó ức chế. Sao bao người mà lão không sai cứ hễ nhìn thấy nó là lão lại sai vặt. Nhất là đêm qua khi nó mệt quá ngồi tựa vào thành lô ngủ ngật. Vừa thiếp đi đã bị lão đá vào chân “ dậy đi, mấy giờ rồi còn ngủ”. Cái lão này, có lẽ phải đập cho 1 trận rồi bỏ việc. Kệ, đến đâu thì đến, chứ có kiểu đâu toàn bắt nạt mình thế này. Nó nghĩ vậy, trong đầu nó nghĩ vậy. Rồi cũng đến giờ ăn ca. nó đi ăn nhưng trong đầu vẫn không thôi cái ý nghĩ bỏ việc. Không phải là do vất vả, vì vất vả cũng không thể bằng ở quê đi cào muối. Chỉ đơn giản với ý nghĩ của 1 thằng con trai mới lớn như nó là sự bất công mà thôi… Bê bát cơm lên, nó chợt nhớ đến mẹ và các em nó ở nhà. Hàng ngày các em nó vẫn nheo nhóc bê những bát cơm độn toàn sắn. Mâm cơm chỉ đơn giản là 2 món truyền thống của gia đình bao năm , bát canh tập tàng và vài ba quả cà thâm sạm. Thi thoảng mẹ chắt bóp mua cho được 1 bữa thịt bèo nhèo. Hôm nào có thịt là mấy đứa em thích trí vỗ tay ten tét, rồi gặp ai cũng khoe hôm nay nhà mình có cỗ.  Trên môi nó bỗng mặn mặn, 2 hàng nước mắt vô tình lăn xuống tự khi nào mà nó không hề hay biết.ăn cơm trắng cá kho mà sao nó thấy mặn đắng, cổ họng như nghẹn lại không sao nuốt nổi. Ăn xong. Nó ra chỗ lão già khó ưa. Nó rón rén, đứng đó không biết nói gì. Lão nhìn nó… cũng không nói gì. Xong lại rít  điếu thuốc lào khét lẹt. Nó lí nhí:
-         Chú dậy cháu nhé?
-         Dậy cái gì?- lão nhìn nó với ánh mắt thăm dò
-         Dậy cháu làm. Làm ơn, bảo cháu cách làm
Lão không nói gì. Chỉ nhìn nó mỉm cười. Nụ cười thân thiện, chưa khinào nó thấy lão cười thân thiện và hiền đến thế.
Đêm lạnh…. Cái lạnh thấu xương thấu thịt. Nhưng trong lòng nó ấm áp vô cùng. Vậy là nó đã xa nhà gần 1 năm. Chỉ nốt đêm nay thôi là mai nó được về quê ăn tết. Đêm nay trong phòng trọ nó ngồi 1 mình, khôngsao ngủ được. Trong đầu nó biết bao dự tính. Nó đếm đi đếm lại số tiền mà nó dành dụm gần 1 năm qua. Đời nó chưa khi nào giám nghĩ đến số tiền lớn thế. Nó tính từng khoản một đâu ra đấy. “ chỗ này để đóng học phí cho 2 đứa em đi học, chỗ này mua sách”, chỗ này nữa để mua cho mệ bộ quần áo mới thay cho bộ áo nhàu nhĩ bao năm qua mệ vẫn bận trên người. À cả các em nữa, phải cho chúng nó diện tết chứ. Chỗ này nữa để sửa lại cho mệ cái mái nhà. Chỗ này để dành cho mẹ ở nhà trang trải. Còn đây 1 phần nhỏ để nó làm lộ phí sau khi ăn tết xong còn quay ra đây làm. Ra lại cái nơi mà đã dậy cho nó cách kìm nén cảm xúc bồng bột, dậy cho nó tính trách nhiệm tập thể.  Ra lại mái nhà thứ 2 của nó  “cadi-sun” nơi thấm đậm tình người, tình thân và lòng nhân ái.
 
Cảm ơn tác giả Trịnh Đình Tươi - Nhân viên KHVT nhà máy Bắc Dương!
Lượt xem: 4183