Những ngày Tết trong tâm dịch
Tết là dịp để những đứa con trở về bên gia đình, người thân, về với cội nguồn, nơi đấng sinh thành đang chờ đợi sau một năm xa nhà. Bởi với người Việt những phút giây cả nhà quây quần bên mâm cơm chiều cuối năm, cùng ngồi trò chuyện bên nồi bánh chưng, bánh tét, cùng háo hức đón giây phút giao thừa… là những khoảnh khắc thiêng liêng và được mong chờ nhất.
Tết còn là dịp những người con dù đi làm xa hay gần cũng đều muốn về thăm và chúc sức khỏe ông, bà, bố, mẹ, anh chị em. Những lời chúc này chính là tình yêu thương, lòng kính trọng đối với người đã sinh, nuôi dưỡng chúng ta nên người.
Tết đối với những người đã lên chức ông, chức bà càng có ý nghĩa hơn khi họ còn là trưởng nam, là anh cả trong gia đình vì khi Tết đến cũng là dịp họ chuẩn bị mâm cơm cúng tất niên ngày 30, mâm cơm hóa vàng ngày mùng 3 là nét văn hóa truyền thống bao đời để thể hiện sự tri ân đối với ông bà tổ tiên thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tri ân công sinh thành dưỡng dục của những người đã khuất.
Vậy mà ngay từ mùng 2 Tết, khi Cẩm Giàng đang là tâm dịch, có những người đã vì công việc, vì sức khỏe của những người công nhân đang sản xuất tại Nhà máy Hoàng Dương mà tạm gác lại những trăn trở, suy tư để xuống phục vụ và hỗ trợ người lao động.
Tôi gặp Cô Trịnh Thị Nhung vào buổi tối ngày mùng 2 Tết Tân Sửu 2021 trong 1 khung cảnh như thế. Ngay khi có thông báo Huyện Cẩm Giàng sẽ phong tỏa từ 0h ngày 14/2/2021 (tức mùng 3 Tết) để phòng chống dịch Covid 19. Cô đã chủ động báo cáo Lãnh đạo Nhà máy và cùng chồng (chú Khuyến – Tổ trưởng Tổ bảo vệ) xuống nhà máy ở tạm, để chú thực hiện công tác tuần tra kiểm soát an ninh toàn Nhà máy, còn Cô thì nấu ăn ngày 4 bữa cho những người lao động đến ăn nghỉ làm việc tại Nhà máy.
Có thể nhiều người đã từng biết đến khung cảnh những ngày đầu tháng 3 năm 2020, khi Hà Nội thông báo ca nhiễm Covid19 đầu tiên và là bệnh nhân thứ 17 tại Việt Nam thì tại các Siêu thị: quầy thực phẩm tươi sống thịt lợn, thịt bò trống trơn. Người dân tranh nhau từng khay thịt. Mặt hàng được mua tích trữ nhiều nhất là ngoài thịt, cá, còn có gạo, mì tôm, trứng, dầu ăn, giấy vệ sinh… Dòng người rồng rắn kéo dài vòng quanh siêu thị.
Tại Chợ Cẩm Giàng khung cảnh cũng không khác là mấy khi mọi người tranh nhau mua rau, thịt cá, gạo, mỳ tôm … họ mua hết nhứng gì có thể, tạo nên 1 cảnh tượng hỗn loạn.
Ấy thế mà chiều tối ngày mùng 2 Tết, khi tôi xuống nhà bếp đã thấy có 1 xe tải chở cả tấn gạo, rất nhiều rau xanh, rau thơm, hành tỏi, mấy chục kg mỳ gạo, 5-7 thùng mỳ tôm, hơn 50 kg thịt lợn, vài ba chục con gà đang kêu quang quác trong lồng …
“Thế là đủ cho anh em ăn cả chục ngày rồi” giọng Cô phấn khởi nói với tôi khi mồ hôi còn vương trên khuôn mặt.
- Cô ơi, mọi người giờ vẫn đang ra chợ tranh nhau mua rau cỏ, thực phẩm đông lắm. Cô kiếm được nguồn mua thực phẩm ở đâu trong lúc Tết tư và dịch dã thế này.
- Ah, Cô phải liên hệ các nơi đặt từ trưa, đi gom từng chỗ mới có đấy cháu. Chứ giờ này thì làm gì có ai bán mà mua.
- Vâng, thế thì tốt quá rồi ạ. Từ 0h00 đêm nay không ai được ra khỏi nhà khi không cần thiết. Còn chợ thì chưa biết có được bán hàng không nữa ạ. Tôi đáp.
- À mà cháu hỏi: Cô chú xuống đây, thế hai cháu gái ở nhà Cô thì sao? Các cháu còn bé thế thì ăn uống sinh hoạt thế nào ạ?
- Tạm thời Cô gửi các cháu sang nhà họ hàng bên cạnh. Thôi thì tất cả vì công việc, dịch dã thế này biết làm sao được hả cháu - Giọng Cô đượm buồn.
Tôi không dám hỏi đến việc làm cơm cúng và đốt vàng mã cho các cụ vào ngày mùng 3 Tết. Vì như tôi còn có vợ con ở nhà. Nhà cô chú thì chỉ còn hai đứa trẻ. Tôi chào cô và ra về.
Các tổ sản xuất đã được phát phiếu đăng ký ăn sáng, trưa, chiều, đêm, được phổ biến về giờ giấc ăn uống, nghỉ ngơi, về các biện pháp phòng chống dịch covid19 tại Tổ sản xuất, tại phòng ăn.
6h30’ sáng hôm sau tôi đã có mặt tại nhà bếp, gặp tôi cô hỏi tôi ăn mỳ tôm hay mỳ gạo. Tôi ngó vào khu chế biến thấy 1 nồi nước hầm xương to đùng.
Cô bảo: xương phải được rửa sạch cho vào nồi đun với nước lạnh. Nước luộc xương lần đầu phải đổ đi để nước dùng khỏi bị nhiễm mùi hôi của xương, nước luộc lần sau mới dùng làm nước chan. Gừng và củ hành nướng, đập dập cũng được cho vào. Lửa đun được bật lớn để nước sôi lên, khi nước đã sôi thì phải giảm bớt lửa và bắt đầu vớt bọt. Khi đã vớt hết bọt, cho thêm một ít nước lạnh và lại đợi nước tiếp tục sôi tiếp để vớt bọt…
Nói rồi, Cô lấy một nhúm bánh gạo trần qua nước nóng mềm mại, dàn đều trong bát, bên trên là những miếng thịt lợn đã được xào sẵn, điểm mấy ngọn hành hoa xanh nõn, mấy cọng rau thơm xinh xắn, mấy nhát gừng thái chỉ màu vàng, lại đưa thêm cho tôi 1 đĩa nhỏ gồm mấy lát ớt thái mỏng, mấy miếng chanh và 1 ít muối.
Tất cả màu sắc đó như một bức tranh đẹp mắt làm dậy lên hương vị, quyện với hơi nước dùng bỏng rẫy, bốc lên nghi ngút, đánh thức tất thảy khả năng vị giác, khứu giác của người ăn, khiến nước miếng tôi trào ra.
- “Đã có Cô tiếp sức thế này thì lo gì sức khỏe chống Covid” tôi nói.
Cầm tô mỳ ngồi một mình 1 bàn (vì giữ khoảng cách), tôi cho ớt, vắt chanh vào tô mỳ, tháo khẩu trang và bắt đầu húp một tý nước, mới húp 1 thìa thôi đã thấy tỉnh người. Thịt thì mềm, bánh thì dẻo, thỉnh thoảng lại thấy cái cay dịu của gừng, cái cay nồng của ớt, cái thơm nhè nhẹ của rau thơm, cái thơm của thịt tươi mềm. Tất cả cứ ngọt lừ đi khiến tôi không thể suy nghĩ gì thêm mà tập trung toàn bộ tâm trí vào thưởng thức bữa sáng.
Những ngày sau đó, những người lao động được ăn uống đầy đủ ngày 3 bữa sáng, trưa, tối. Đối với người lao động làm ca đêm vẫn được phục vụ đầy đủ vào lúc 24h. Cơm dẻo, canh nóng, thức ăn thì luôn nóng sốt khiến mọi người hết sức hài lòng.
Kèm theo những bữa ăn, cô còn rán bánh chưng, khúc giò mang ở nhà rồi cắt nhỏ đi chia cho mọi người để mọi người có thể cảm nhận không khí Tết tại Nhà máy, cũng như chia sẻ cảm xúc của những người lao động phải xa gia đình trong kỳ nghỉ Tết.
Những bát cơm canh nóng hổi, những lời động viên cố gắng khắc phục khó khăn, giữ gìn sức khỏe của Cô và anh chị em nhà bếp đối với người lao động như tiếp thêm quyết tâm, sự cố gắng giúp người lao động vững tin và yên tâm sản xuất …
Những ngày dịch rồi sẽ qua mau, mỗi người rồi sẽ có những suy nghĩ của riêng mình. Trong khó khăn những tình cảm, những việc làm tốt đẹp càng trở nên đáng quý và trân trọng. Với riêng tôi 1 lời cảm ơn chân thành có lẽ là chưa đủ. Xin dành tặng những lời chúc tốt đẹp nhất đến với Cô và các chị em nhà bếp - những người phục vụ tận tâm, thầm lặng.
Tác giả: Lê Văn Thọ - P.QTTB Nhà máy Đại Dương