Đó là khẳng định của bà Phạm Thị Thanh Mai - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội sau buổi làm việc với Công ty CADI-SUN. Đây là hoạt động chuẩn bị cho hội nghị giữa lãnh đạo thành phố với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và thực hiện chương trình phát triển sản xuất công nghiệp chủ lực của thành phố năm 2021.
Vừa qua, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cùng đoàn công tác của Sở Công Thương đã đến, làm việc với một số doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực trên địa bàn thành phố.
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cùng đoàn công tác của Sở Công Thương thăm Nhà máy sản xuất của CADI-SUN
Tại Công ty CP Dây và Cáp điện Thượng Đình, đoàn công tác đã nghe báo cáo về những thuận lợi và khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Theo đó, 9 tháng đầu năm 2021 do tác động bởi đại dịch Covid-19, CADI-SUN đã gặp nhiều khó khăn khi vật tư, thiết bị nhập khẩu khó khăn; lao động bị cắt giảm; lưu chuyển hàng hóa bị đứt gãy; các công trình, dự án tạm đóng cửa...
Trong đợt dịch lần thứ 4, có những thời điểm CADI-SUN phải bố trí người lao động đi làm 30-40-50%, thực hiện “3 tại chỗ”, thậm chí thuê cả khách sạn, nhà nghỉ cho NLĐ ở. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm chậm do các công trình, dự án tạm dừng hoạt động vì giãn cách xã hội nên doanh thu 9 tháng đầu năm 2021 giảm 18% so với cùng kỳ.
Khó khăn là vậy nhưng CADI-SUN vẫn nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh, đảm bảo thu nhập cho NLĐ và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước, nộp ngân sách với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Trong các tháng còn lại của năm 2021, CADI-SUN đặt mục tiêu quyết tâm phục hồi sản xuất, kịp thời cung cấp hàng hóa cho các dự án, công trình còn dang dở đồng thời đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu ra nước ngoài.
Bà Phạm Thị Thanh Mai - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đánh giá cao những nỗ lực
mà CADI-SUN đạt được trong thời gian qua
Bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, lãnh đạo công ty CADI-SUN cũng bày tỏ mong muốn thành phố nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Trung ương, thành phố cần thiết thực, nhanh và ít rào cản, đặc biệt là không phân biệt doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ trong hỗ trợ vì đều bị tác động, ảnh hưởng bởi Covid như nhau. Thành phố cần tin tưởng và trao quyền cho doanh nghiệp tự kiểm soát trong công tác phòng chống dịch, và giấy đi đường cho người lao động.
Ghi nhận những nỗ lực của các doanh nghiệp thời gian qua, đã duy trì được sản xuất, việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần ổn định an sinh xã hội, ông Đàm Tiến Thắng- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, phải để doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch của đơn vị mình. Ông Thắng khuyến cáo, doanh nghiệp phải chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe người lao động; đặc biệt là phải chủ động xây dựng các phương án phòng chống dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh, xác định sống chung với Covid-19, để thúc đẩy sản xuất kinh doanh một cách nhanh nhất, mạnh nhất, nhằm lấy lại đà tăng trưởng, góp phần phát triển kinh tế Thủ đô.
Đoàn công tác trao quà cho người lao động CADI-SUN
Từ đầu năm đến nay, mỗi tháng gần 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, việc các doanh nghiệp công nghiệp chủ lực của Hà Nội như CADI-SUN vẫn duy trì được sản xuất, tiền lương cho người lao động là nỗ lực rất lớn. Hà Nội cam kết sẽ đồng hành với doanh nghiệp, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe, thấu hiểu và có chính xách phù hợp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, cùng thành phố thực hiện mục tiêu kép và đảm bảo đời sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội - Bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội khẳng định.