CADI-SUN: Khởi nghiệp để trường tồn

Sự kiện nổi bật

CADI-SUN: Khởi nghiệp để trường tồn

Khởi nghiệp từ năm 1989 với hai bàn tay trắng, ông Phạm Lương Hòa - Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Dây và Cáp điện Thượng Đình (CADI-SUN) đã xoay xở để tìm ra con đường đúng đắn nhất cho sự nghiệp của đời mình. Dưới đây là cuộc trò chuyện hết sức cởi mở của Tạp chí Năng lượng Việt Nam với ông chủ của CADI-SUN.

CADI-SUN: Kh��i nghiệp để trường tồn

Ông Phạm Lương Hòa - Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc CADI-SUN.

Năng lượng Việt Nam: Cái “duyên” của ông với ngành điện đã được “xe” như thế nào?

Ông Phạm Lương Hòa: Có lẽ là do may mắn. “Số” tôi sinh vào năm 1961 - “đỉnh cao muôn trượng”, nhưng “phận” tôi lại lập nghiệp vào những năm bắt đầu đổi mới (1986). Khi tôi bước vào đời, cũng là lúc nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi từ bao cấp sang thị trường. Bây giờ người ta sính chữ, nên hay nói đến “lập nghiệp”, từ “quốc gia lập nghiệp” đến “cà phê lập nghiệp”... Khi đó, câu hỏi đơn giản đầu tiên của tôi là “làm cái gì?”. Tôi đã tình cờ “chộp” được câu trả lời từ câu nói của một người lãnh đạo cao nhất của Bộ Năng lượng. Khi đó, Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải có nói: “Làm gì thì làm, nhưng không thể thiếu điện được”. Vậy là tôi tự nhủ mình phải làm cái “không thể thiếu” - làm “điện”.

Năng lượng Việt Nam: Chắc câu hỏi thứ hai của ông là “bao giờ làm?

Ông Phạm Lương Hòa: Đối với tôi, đó là câu hỏi dễ trả lời nhất. Tất nhiên là làm ngay, càng sớm càng tốt. Tuổi trẻ mà. (Cười lớn...)

Năng lượng Việt Nam: Vậy, tại sao trong ngành “điện” ông lại chọn lĩnh vực dây và cáp?

Ông Phạm Lương Hòa: Ngành “điện” khi đó còn được gọi là “điên nặng”. Động cơ? Máy phát? Thủy điện?, Nhiệt điện?, Trạm điện?... Cái gì cũng to, công trình nào cũng lớn, chuyên ngành nào cũng khó. Trong khi điểm xuất phát của tôi gần như bằng không, chỉ là một Tổ hợp tác có tên gọi “Thượng Đình”.

Suy đi, tính lại, thấy nếu làm nhỏ chỉ có dây điện là dễ “ăn” thôi, vì bóng điện tuy nhỏ nhưng cũng có “bóng đèn phích nước” ngay bên cạnh rồi. Hơn nữa, tôi nghĩ, có điện mà không có dây thì cũng “vứt”. Thiếu bóng đèn để thắp sáng, người ta có thể dùng điện để đun nước bằng may xo. Còn thiếu dây điện thì đèn cũng chẳng sáng, mà nước cũng không sôi.

Năng lượng Việt Nam: Người ta thường nói câu hỏi “làm như thế nào” mới khó trả lời?

Ông Phạm Lương Hòa: Đúng vậy. Làm dây điện như thế nào là câu hỏi khó nhất. Khi đó, ở Việt Nam dây điện chủ yếu được nhập khẩu từ Liên Xô, trong nước chỉ có vài nơi sản xuất nhỏ lẻ. Tôi nghĩ, công nghệ, hay quy trình sản xuất thì trước/sau mình cũng “lần” ra. Cái quan trọng nhất, như Lê Nin nói (tôi chỉ nhớ “lõm bõm” thôi) là, phải có một tổ chức đàng hoàng. Mà tổ hợp tác xã thì không thể coi là đàng hoàng được. Vì vậy, tôi đã quyết định chuyển Tổ hợp tác Thượng Đình thành Công ty TNHH Thượng Đình gắn với tên thương mại là CADI-SUN.

Năng lượng Việt Nam: Tại sao lại CADI-SUN?

Ông Phạm Lương Hòa: Đơn giản, “Sun” - Mặt trời. Mặt trời vốn là thủy tổ của mọi nguồn điện. Không có Mặt trời, không thể có thủy điện, nhiệt điện và cũng không thể có điện nguyên tử, quang điện, hay phong điện như bây giờ. Tôi nghĩ, mình đã “gắn” với điện thì phải “gắn” hẳn với nguồn gốc của điện.

Ngoài ra, trong thâm tâm, tôi cũng muốn doanh nghiệp chuyên về dây và cáp điện của mình sẽ trường tồn giống như Mặt trời.

CADI-SUN: Khởi nghiệp để trường tồn

Không có Mặt trời thì trên trái đất không có than đá, dầu mỏ, nước, gió và sinh khối.

Năng lượng Việt Nam: Sinh con khỏe, đặt tên con đẹp rồi, nhưng ông nuôi nó như thế nào?

Bên trong Mặt trời xẩy ra phản ứng ngược lại với phản ứng xẩy ra ở nhà máy điện nguyên tử. Các hạt nhân nguyên tử không bị phân chia mà hợp nhất. Cụ thể, luôn xẩy ra 4 nguyên tử hydro hợp nhất thành 1 nguyên tử heli. Quá trình này giải phóng năng lượng và được gọi là phản ứng tổng hợp hạt nhân hay phản ứng nhiệt hạch. Năng lượng được giải phóng là nhiệt và ánh sáng.

Bề mặt của Mặt trời có nhiệt độ 5600 độ C, bên trong lõi có nhiệt độ 15 triệu độ C.

Không có Mặt trời thì trên trái đất không có than đá, dầu mỏ, nước, gió và sinh khối.

Thành phần chủ yếu của Mặt trời là hydro - nguyên tố phổ biến nhất trong vũ trụ, và chiếm 90% khối lượng. Lượng hydro của Mặt trời còn đủ để hoạt động trong 5 tỉ năm nữa.

Mỗi giây, trên Mặt trời có 4 triệu tấn hydro được chuyển hóa thành năng lượng, đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên trái đất trong 1 triệu năm (ngôi sao Eta Carinae có năng lượng lớn gấp 4-5 triệu lần so với Mặt trời).

Thời gian di chuyển của năng lượng nhiệt từ Mặt trời đến trái đất là 8 phút.

Ông Phạm Lương Hòa: Đó là cả một câu chuyện dài. Chẳng bao lâu sau khi từ tổ hợp tác xã lên công ty, cơ sở ở Thượng Đình đã trở nên chật hẹp, khó xoay xở. Phải mở rộng. Vấn đề là mở rộng đi đâu? Tôi đã quyết định chọn Hải Dương.

Năng lượng Việt Nam: Vì Hải Dương “đất lành chim đậu” hay là quê hương ông?

Ông Phạm Lương Hòa: Không, quê tôi ở Hà Tây. Nhưng với tôi, Hải Dương “đất lành chim đậu” và “Dương” cũng gắn với Mặt trời. Khi đó, vào đầu những năm 2000, ngay sau khi Liên Xô (nguồn nhập khẩu dây và cáp điện) tan rã, tôi nghĩ cơ hội vàng đã đến, tôi mạnh dạn xin đăng ký sử dụng hơn 4,6 hecta đất ở Hải Dương để mở rộng sản xuất. Đến năm 2004, Nhà máy số 2 tại Hải Dương với tổng vốn trên 100 tỷ đồng đã được đưa vào hoạt động. Nhờ đó, năng lực sản xuất của CADI-SUN được nâng lên đáng kể, sản phẩm của CADI-SUN được đa dạng hóa, và điều quan trọng là chúng tôi đã mở rộng được thị trường và củng cố được vị thế trong ngành điện. Từ năm 2007 CADI-SUN đã thành lập chi nhánh tại các tỉnh thành như: TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Tây Nguyên, Nghệ An, vv…

Năng lượng Việt Nam: Mọi cái hình như đều suôn sẻ và có vẻ “ngon ăn”?

Ông Phạm Lương Hòa: Không đơn giản thế đâu. Sau 2008, chúng tôi vừa mới có “đà” phát triển thì xẩy ra khủng hoảng tài chính châu Á, rồi khủng hoảng kinh tế thế giới. Các doanh nghiệp tư nhân như chúng tôi đ��u phải gồng mình vượt qua những khó khăn này. “Ngon ăn” chẳng đến lượt mình. Chỉ cần anh “ngủ quên” một cái là bị đối thủ vượt mặt và bị thị trường bỏ lại đằng sau ngay.

Năng lượng Việt Nam: Thế ông đã “thức” như thế nào để không bị bỏ rơi?

Ông Phạm Lương Hòa: Nếu nói nhờ học thuyết của Mác-Lê Nin thì hơi sáo rỗng quá, nhưng, nói thật, khi đó tôi lại nghĩ đến cái gọi là quan hệ giữa “nội dung” và “hình thức”, giữa “lực lượng sản xuất” và “mối quan hệ sản xuất”. Tôi tự nhủ, chả nhẽ mấy ông này dạy sai, mình cứ làm theo xem sao? Vì vậy, tôi quyết định một lần nữa đổi mới mô hình tổ chức cho gần hơn với thị trường, chuyển từ công ty TNHH thành công ty cổ phần. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy mình đã quyết đúng.

Năng lượng Việt Nam: Hay là do “các cụ” dạy đúng?

Ông Phạm Lương Hòa: Cả hai. Điều “các cụ” dạy thì chắc ai cũng biết, nhưng, tôi nghĩ không phải ai cũng dám quyết và quyết đúng lúc để làm theo. Không hiểu sao tôi cứ “quyết”. Cái “số” tôi nhiều khi cũng may mắn. Khi đó, vốn điều lệ của doanh nghiệp đã tăng lên đạt mức trên 200 tỷ đồng. Thật là đã!

Năng lượng Việt Nam: Thế ông còn “học” được điều gì hay mà “các cụ” đã dạy nữa không? Nếu không bí mật, xin ông chia sẻ điều tâm đắc nhất của ông là gì?

Ông Phạm Lương Hòa: Có chứ. Làm doanh nghiệp vui lắm và cũng cần có bài bản lắm. Không phải lúc nào cũng gặp được may mắn. Và nếu có gặp, may mắn chỉ là bước khởi đầu. Hiện nay CADI-SUN đang sở hữu 3 nhà máy lớn có tên gọi gắn với Mặt trời: Đại Dương (Hà Nội), Bắc Dương và Hoàng Dương (Hải Dương); 1 công ty thành viên: Công ty Trường Dương và 1 Cụm công nghiệp Lương Điền (Hải Dương).

Sau khi “nhảy” vào thị trường, và sau khi đầu tư cho phát triển mở rộng sản xuất, tôi lại làm theo điều các cụ” dạy là “biến lượng thành chất”.

Cáp điện và dây điện là sản phẩm đặc biệt vì liên quanđến một sản phẩm đặc biệt khác (không nhìn thấy) đó là điện năng. Cáp điện và dây điện rất dễ bị làm giả, hoặc làm không đúng tiêu chuẩn chất lượng đăng ký. Vì vậy, tôi luôn nhắc nhở anh em là phải quản lý tốt chất lượng, không được để xẩy ra rủi ro về chất lượng của sản phẩm dây và cáp điện.

Thị trường đã mở ra nhiều cơ hội cho chúng tôi. Việc quản lý chất lượng dây và cáp điện đã trở nên bài bản hơn vì CADI-SUN nhập khẩu nguyên liệu đồng (có yêu cầu về độ tinh khiết phải đạt 99,99%) và nhôm (có yêu cầu về độ tinh khiết trên 99,7%) thông qua Thị trường Kim loại London (LME).

Chất lượng và giá cả của nguồn nguyên liệu đầu vào được quản lý tốt là thành công 50% rồi. Tiếp đến là các thiết bị chuyên dùng phải “xịn”. CADI-SUN đã đầu tư khoảng 100 triệu U$ để xây mới nhiều nhà xưởng với toàn bộ dây chuyền thiết bị công nghệ thế hệ mới của các nước tiên tiến trên thế giới như: Niehoff (Đức), Figeco-Samp (Ý), Gauder (Bỉ), Rosendahl-Unitek (Áo), vv...

CADI-SUN: Khởi nghiệp để trường tồn

Toàn bộ dây chuyền sản suất dây và cáp điện của CADI-SUN đã được đầu tư mới bằng công nghệ châu Âu.

Ngoài việc được sản xuất trên dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại, các sản phẩm của CADI-SUN trước khi xuất xưởng đều được kiểm nghiệm nghiêm ngặt, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn châu Âu nên dây và cáp điện thương hiệu CADI- SUN được người sử dụng đánh giá cao, có chất lượng nổi trội hơn hẳn so với các sản phẩm hiện có trên thị trường.

Năng lượng Việt Nam: Nhưng, khâu thiết thực nhất vẫn do thị trường quyết định?

Ông Phạm Lương Hòa: Đúng vậy. Liên quan đến thị trường, CADI-SUN đề ra và thực hiện theo nguyên tắc 3 “nhất”: “Chất lượng tốt nhất”, “Giá bán hợp lý nhất” và “Vận chuyển hàng hóa nhanh nhất”.

Nhờ vậy, hiện nay sản phẩm của CADI-SUN đã có mặt ở hầu hết các công trình, dự án, như: Thủy điện Sơn La; chiếu sáng cầu Bãi Cháy; chiếu sáng khu T20 Đà Nẵng; khu công nghiệp Dung Quất; dự án năng lượng nông thôn II Việt Nam khu vực miền Bắc, Hà Tĩnh, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hải Dương; xây dựng Trung tâm Hội nghị Quốc gia… Bên cạnh đó, CADI-SUN đã ký hợp tác chiến lược với một số đối tác nước ngoài có nhiều triển vọng như: Tập đoàn Dongyang; Tập đoàn Sangjin; Fulgent Sun, DaYun, Vina Sekyo, vv…

Năng lượng Việt Nam: Và thị trường đã đánh giá CADI-SUN như thế nào?

Ông Phạm Lương Hòa: Mức tăng trưởng về doanh thu của CADI-SUN qua các năm gần đây cho thấy thị trường đã ngày càng nghi nhận sự tiến bộ vượt bậc của chúng tôi về chất lượng sản phẩm và dịch vụ khách hàng. Bắt đầu từ năm 2010, CADI-SUN đã đứng trong ‘Top 500’ doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam. Thương hiệu CADI-SUN trở nên nổi tiếng và liên tục được lên hạng qua các năm và nhận được nhiều huân, huy chương, của Đảng và Nhà nước…

Bên cạnh đó, nhiều đối tác nước ngoài đã đến tham quan và mong muốn được hợp tác với CADI-SUN như: Stanley, Chiuyi, Volex, Bucheon, Vinadual, Asti, Honda, vv…

CADI-SUN: Khởi nghiệp để trường tồn

Dây và cáp điện CADI-SUN xuất xưởng.

Năng lượng Việt Nam: Câu hỏi cuối, trong tương lai, đối với CADI-SUN, liệu mọi việc có “thuận buồm xuôi gió” như những ngày đầu lập nghiệp không, thưa ông?

Ông Phạm Lương Hòa: Chắc chắn là không. Để tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, CADI-SUN phải tự động hóa tiếp các quá trình công nghệ. Chúng tôi đã và đang đau đầu trong xử lý vấn đề lao động khi tự động hóa sản xuất. Nhưng, đó chỉ là vấn đề của Cuộc cách mạng Công nghiệp 3.0 thôi. Thực lòng, bước vào 4.0, chúng tôi cũng chưa hình dung ra phải như thế nào. Nhưng, cáp điện và dây điện 3.0 với 4.0 chắc không có gì khác biệt lắm.

Vì vậy, điều quan trọng nhất đối với CADI-SUN là tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh để mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho khách hàng và người lao động. Trong thời gian tới, CADI-SUN sẽ tiếp tục đầu tư thêm các nhà máy, dây chuyền, thiết bị để tăng năng lực sản xuất, gia tăng sản lượng… từng bước chiếm lĩnh thị phần, thị trường không chỉ trong nước mà còn phát triển ra các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Năng lượng Việt Nam: Xin chân thành cám ơn ông. Xin chúc CADI-SUN trường tồn như Mặt trời cùng các bạn hàng!

NGUYỄN THÀNH SƠN (THỰC HIỆN)
Theo: nangluongvietnam.vn

 

Lượt xem: 13227
Họ tên*
Địa chỉ Email*
Tiêu đề*
Nội dung*