Sau cuộc gặp ông Donald Trump ở Paris hôm 8.12, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho hay sẽ gọi điện cho người đồng cấp Mỹ Joe Biden thảo luận về khả năng Ukraine gia nhập NATO và chấp nhận lực lượng gìn giữ hòa bình.
Bộ binh Nga ở Ukraine
Ảnh: Bộ quốc phòng Nga
Nga tấn công cơ sở hạ tầng đường sắt, quân sự Ukraine
Hôm 9.12, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng nước này đã tấn công các cơ sở đường sắt và hạ tầng quân sự phục vụ cho hoạt động vận chuyển thiết bị do phương Tây cung cấp cho quân đội Ukraine.
"Các đơn vị hàng không chiến thuật, máy bay không người lái vũ trang, đơn vị tên lửa và pháo binh của các nhóm lực lượng vũ trang Nga đã tấn công cơ sở hạ tầng sân bay quân sự, đường sắt vận chuyển thiết bị của phương Tây cho quân đội Ukraine, những địa điểm lắp ráp UAV và kho bãi, cũng như một kho nhiên liệu", Sputnik News dẫn báo cáo.
Phía Nga cho biết trong vòng 24 giờ đã bắn phá 147 địa điểm tập kết quân và thiết bị của Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga cũng thông báo bắn hạ 10 quả tên lửa được Ukraine khai hỏa từ HIMARS (Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao) do Mỹ sản xuất và 36 UAV cánh cố định.
Tổng cộng phía Nga ghi nhận đối phương trong ngày tổn thất khoảng 1.500 binh sĩ trên khắp các mặt trận. Không thể kiểm chứng độ chính xác của số liệu Nga đưa ra, và Ukraine chưa bình luận về thông tin trên. Trong khi đó, không quân Ukraine cho biết Nga ngày 9.12 đã phóng 2 tên lửa hành trình Kh-59/69 và 37 UAV về phía các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine.
Trong số 37 UAV, không quân Ukraine bắn hạ 18 UAV, và 18 UAV "mất tích". Cả hai tên lửa Nga đều bị đánh chặn. Cũng trong ngày 9.12, Hãng thông tấn Interfax-Ukraine dẫn lời Tổng thống Zelensky nói rằng có gần 800.000 binh sĩ Nga ở Ukraine. Moscow chưa bình luận về thông tin này.
Viễn cảnh hòa đàm Ukraine
Sau cuộc gặp ông Donald Trump ở Paris hôm 8.12, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho hay sẽ gọi điện cho người đồng cấp Mỹ Joe Biden thảo luận về khả năng Ukraine gia nhập NATO.
"Tôi sẽ gọi điện cho Tổng thống Biden trong tương lai gần…và đề cập khả năng Ukraine gia nhập NATO. Ông ấy hiện là tổng thống Mỹ, và nhiều vấn đề phụ thuộc vào vai trò của ông. Không có ý nghĩa gì khi trao đổi điều này với ông Trump trong khi ông vẫn chưa có mặt ở Nhà Trắng", ông Zelensky viết trên Telegram hôm 9.12.
Cùng ngày, ông cũng cho hay Ukraine "có lẽ sẽ cân nhắc" đề nghị của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở nước này. Tuy nhiên, viễn cảnh đó chỉ có thể thực hiện sau khi chính quyền Kyiv nắm rõ các mốc thời gian Kyiv gia nhập NATO.
Tổng thống Ukraine đã đề cập khả năng trên sau cuộc gặp ở Kyiv với lãnh đạo đảng đối lập Đức Friedrich Merz, người đang chạy đua vào ghế thủ tướng Đức. Ông Merz cũng là nhân vật ủng hộ Berlin viện trợ tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine.
Nguy cơ sức ép đến từ ông Trump
Tại cuộc họp báo ở Kyiv, Tổng thống Ukraine cũng đề cập khả năng dàn xếp ngoại giao tiến tới chấm dứt chiến sự. "Hơn ai hết, Ukraine là bên mong muốn xung đột chấm dứt nhất. Một giải pháp ngoại giao không nghi ngờ gì có thể cứu nhiều mạng sống hơn. Chúng tôi đang tìm kiếm khả năng này", Reuters dẫn lời ông Zelensky.
Ông Zelensky cho biết trong cuộc gặp với Tổng thống Macron và ông Trump đã thảo luận về kịch bản "đóng băng" các chiến tuyến như hiện tại và tiến tới hòa đàm. Tuy nhiên, điều cần nhất hiện nay là Ukraine phải được nâng cao năng lực để đạt được lợi thế nếu đàm phán với Nga.
Những thông điệp trên của lãnh đạo Ukraine được đưa ra trong bối cảnh giao tranh đang diễn ra ác liệt hơn ở Ukraine trước lễ nhậm chức của ông Trump.
Tổng thống Mỹ đắc cử liên tục nhắc lại ý muốn chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine càng nhanh càng tốt, làm dấy lên quan ngại ông có thể buộc Kyiv phải đạt được thỏa thuận theo các điều khoản do Nga đưa ra, theo The Kyiv Independent. Ông Trump cũng nói với ông Zelensky về việc Mỹ có thể giảm viện trợ quân sự cho Kyiv trong năm sau.
Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin bày tỏ hy vọng đội ngũ của ông Trump sẽ quen thuộc với lập trường của Nga về Ukraine, cụ thể là sáng kiến do Tổng thống Putin đưa ra vào tháng 6 trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine về dài hạn, TASS đưa tin.
Một số nội dung của sáng kiến là lực lượng vũ trang Ukraine rút khỏi vùng Donbass và Novorossiya, Kyiv không gia nhập NATO, phương Tây dỡ bỏ mọi lệnh cấm vận đối với Nga, và Ukraine phải cam kết giữ tình trạng không liên kết và phi hạt nhân.
Theo Thụy Miên (Báo Thanh Niên)