Nga cho rằng Ukraine có khả năng chế tạo bom bẩn và các cuộc tấn công gần nhà máy điện hạt nhân Kursk có thể gây thảm họa như Chernobyl hay Fukushima.
Quân đội Ukraine ngày 5.11 thông báo đã bắn hạ 48/79 máy bay không người lái (UAV) và 2 tên lửa được Nga phóng đến trong đêm, theo Reuters. Ukraine mất dấu 30 UAV khác trong khi 1 chiếc quay trở về Nga.
Nga còn bị cáo buộc sử dụng bom dẫn đường thả từ máy bay xuống thành phố Kharkiv, làm 2 người bị thương và gây thiệt hại một số tòa nhà. Tại tỉnh Sumy ở miền bắc, một cuộc tấn công bằng UAV gây hư hại một cây xăng.
Tại tỉnh Zaporizhzhia ở miền nam, cuộc tấn công bằng tên lửa khiến 6 người thiệt mạng và ít nhất 20 người khác bị thương. Một cơ sở hạ tầng quan trọng bị phá hủy nhưng các quan chức Ukraine không nói rõ đó là cơ sở gì.
Nga lâu nay phủ nhận tấn công mục tiêu dân sự.
Hiện trường một vụ tấn công tại Kharkiv hôm 3.11
ẢNH: REUTERS
Nga nói Ukraine có thể sản xuất bom bẩn?
Bộ Quốc phòng Nga ngày 5.11 nói rằng Ukraine không có khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân nhưng có thể chế tạo bom bẩn, loại vũ khí quy ước kết hợp chất nổ với vật liệu phóng xạ. Theo TASS, Bộ Quốc phòng Nga cho rằng chiến dịch của Moscow có thể đã ngăn chặn Kyiv phát triển chương trình hạt nhân.
Sau khi tách khỏi Liên Xô, Ukraine đã tự nguyện từ bỏ số vũ khí hạt nhân để được đảm bảo an ninh, theo Reuters.
Cũng trong ngày 5.11, tướng Igor Kirillov, lãnh đạo Lực lượng Phòng thủ chống phóng xạ, hóa học và sinh học của Nga cảnh báo các cuộc pháo kích của Ukraine vào nhà máy điện hạt nhân Kursk có thể gây hậu quả nghiêm trọng "không thể đảo ngược" như các thảm họa tại Chernobyl và Fukushima.
Ông Kirillov cho rằng một trong số những mục đích chính của Ukraine khi đưa quân sang tỉnh Kursk của Nga là giành lấy nhà máy điện hạt nhân Kursk. "Hậu quả của thảm họa Chernobyl là hơn 207.500 km lãnh thổ của 17 nước châu Âu bị nhiễm bụi phóng xạ", ông Kirillov nhắc lại.
Ukraine chưa lập tức bình luận về những cáo buộc trên.
G7 cảnh báo Nga về binh sĩ Triều Tiên
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 5.11 cho rằng hơn 10.000 binh sĩ CHDCND Triều Tiên đã đến Nga để hỗ trợ chiến dịch chống Ukraine, trong đó một "lượng lớn" đang ở các khu vực tiền tuyến tại Kursk, theo Reuters.
Chỉ vài giờ trước đó, Lầu Năm Góc nói có ít nhất 10.000 binh sĩ Triều Tiên tại Kursk, tỉnh giáp giới Ukraine, song không thể xác minh lực lượng này có tham chiến hay chưa.
Cơ quan tình báo Ukraine trong khi đó cho rằng khoảng 12.000 binh sĩ Triều Tiên, gồm 500 sĩ quan và 3 tướng, đã đến Nga, tham gia huấn luyện tại 5 căn cứ quân sự.
Người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin cùng ngày trả lời câu hỏi về thông tin trên: "Tôi không thể nói gì về chuyện này". Trong khi đó, ngoại trưởng nhóm G7 (Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Ý) và 3 đồng minh Hàn Quốc, New Zealand, Úc ngày 5.11 bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về thông tin binh sĩ Triều Tiên xuất hiện tại Nga.
"Sự hỗ trợ trực tiếp của Triều Tiên cho Nga... sẽ đánh dấu bước mở rộng xung đột nguy hiểm", các ngoại trưởng nói trong một tuyên bố.
Hiệp định đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Triều Tiên được ký vào tháng 6. Thỏa thuận bao gồm nội dung hợp tác kinh tế, quân sự và kỹ thuật của hai nước, hỗ trợ quân sự lẫn nhau trong trường hợp một bên bị tấn công.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko ngày 5.11 nói tại cuộc họp của Ủy ban Đối ngoại của Hội đồng Liên bang (thượng viện Nga) rằng thỏa thuận của hai nước không đe dọa nước thứ ba và cũng không quy định việc thành lập liên minh quân sự, "khác với các thỏa thuận tương tự của phương Tây".
Theo Vi Trân (Thanh Niên)