Doanh nghiệp bất động sản vẫn chịu áp lực lớn trong việc tìm kiếm dòng tiền để tái cơ cấu nợ và sự cạnh tranh về thanh khoản của hoạt động bán hàng.
Doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng lớn vào doanh thu bán hàng trong năm 2025. Ảnh: Anh Dũng
Trong hơn 3 tháng đầu năm 2025, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã bước vào cuộc chạy đua mở bán dự án mới, bàn giao sản phẩm, mang lại triển vọng về nguồn thu.
Chẳng hạn, Vinhomes (mã VHM), đã mở bán 2 dự án là Vinhomes Apollo City và Wonder City, sắp tới sẽ mở bán các dự án Phước Vĩnh Tây, Dương Kinh.
Nam Long Group mới đây cũng ký kết hợp tác với 17 đại lý phân phối dự án Waterpoint, đồng thời cấp tập chuẩn bị ra mắt dự án Izumi City trong nửa cuối năm 2025, bên cạnh việc triển khai tiếp dự án Akari City và Central Lake.
Ở các doanh nghiệp bị ùn ứ hàng tồn nhiều năm như Tập đoàn Đất Xanh gần đây có những tín hiệu khả quan trong tiến độ pháp lý và triển khai các dự án. Với việc tái khởi động dự án Gem Riverside (TPHCM), Đất Xanh đặt mục tiêu bán hàng trong năm nay và kỳ vọng đạt tỉ lệ hấp thụ tốt. Tương tự, Khang Điền dự kiến sẽ mở bán dự án Foresta tại TP Thủ Đức, gồm 226 căn thấp tầng và 600 căn cao tầng, được kết hợp từ 2 dự án Clarita và Emeria.
Có thể thấy, thị trường bất động sản dù đã qua giai đoạn khó khăn nhất. Tuy nhiên, thị trường vẫn đang chứng kiến sự phân hóa mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp. Và việc phục hồi nhưng không đồng nghĩa thị trường đang có thanh khoản tốt. Đặc biệt, hàng tồn kho của các dự án, các doanh nghiệp bất động sản vẫn rất cao.
Hơn 50% doanh nghiệp bất động sản đang có tình trạng dòng tiền âm, kể cả doanh nghiệp lớn. Điều này cho thấy khả năng bán hàng của các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự tốt, dòng tiền trả nợ cho ngân hàng cũng chưa ổn định. Trong khi đó, câu chuyện tiếp cận dòng tiền cho việc tái cơ cấu nợ, bổ sung nguồn vốn mới bên cạnh áp lực cạnh tranh thanh khoản đầu ra vẫn là những vấn đề lớn của khối doanh nghiệp bất động sản.
Thống kê của VIS Rating đối với 30 chủ đầu tư bất động sản nhà ở niêm yết lớn nhất theo doanh thu cho thấy, tổng nợ tính đến cuối năm 2024 tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023, lên 208.000 tỉ đồng, phần lớn để tài trợ chi phí phát triển dự án, bổ sung vốn lưu động hoặc tái cấu trúc nợ đến hạn. Sự gia tăng nợ này dẫn đến chi phí lãi vay trong năm qua tăng 41%.
Ngoài ra, ước tính, năm 2025 sẽ có khoảng 110.000 tỉ đồng trái phiếu bất động sản đáo hạn, trong đó 31.000 tỉ đồng đã chậm trả gốc, lãi trước đó. Đây là những khoản nợ đã bị giãn, hoãn theo Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, năm nay phải tất toán là bài toán mà các doanh nghiệp phải tính tới.
Các doanh nghiệp bất động sản lúc này đang rất kỳ vọng, các chính sách mới nhằm tháo gỡ vướng mắc pháp lý và đẩy mạnh việc hoàn thiện quy hoạch sẽ tạo động lực phát triển dự án trong năm 2025, từ đó giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để giải quyết các vấn đề tài chính.
Các chuyên gia nhận định, trong thời gian tới, tỉ lệ hấp thụ của các dự án bất động sản mở bán mới có thể tập trung nhiều vào quý II và III/2025. Hiện nay, việc nhiều ngân hàng đang triển khai các gói vay mua nhà với lãi suất ưu đãi, hướng đến đối tượng khách hàng trẻ dưới 35 tuổi kỳ vọng giúp cho thanh khoản bất động sản tăng mạnh do khách hàng dễ dàng tiếp cận vốn.
Tại báo cáo vừa công bố, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, bất động sản nhà ở và khu công nghiệp là nhóm có thể chứng kiến mức lợi nhuận quý đầu năm nay tăng trưởng nổi bật so với thị trường. MBS dự tính các doanh nghiệp bất động sản nhà ở niêm yết có thể tăng lãi 719% so với quý I/2024, còn nhóm khu công nghiệp tăng trên 60%. Trong đó, Vinhomes - nhà phát triển bất động sản lớn nhất thị trường - có thể tăng lãi gần 740% từ mức nền thấp cùng kỳ năm ngoái và ghi nhận lợi nhuận từ loạt dự án như Royal Island, Ocean Park 2 và 3, Grand Park, Golden Avenue. Công ty chứng khoán này cũng dự phóng lợi nhuận của Nam Long và Khang Điền đều tăng trưởng trên 200%.
Theo Bảo Chương (Báo Lao động)