Những tác động sâu sắc từ địa chính trị, sự gián đoạn chuỗi cung ứng đến các tiến bộ về xe điện (EV), pin lưu trữ năng lượng và năng lượng hạt nhân.
Tạp chí Công nghệ Điện tương lai (FPT) của Anh số tháng 2/2025 vừa công bố báo cáo "Triển vọng năng lượng 2025 - Xu hướng và dự đoán mới nổi của ngành điện", trong đó nhấn mạnh những tác động sâu sắc từ địa chính trị, sự gián đoạn chuỗi cung ứng đến các tiến bộ về xe điện (EV), lưu trữ năng lượng và năng lượng hạt nhân. Báo cáo được xây dựng dựa trên dữ liệu từ GlobalData - công ty chủ quản của FPT, phản ánh bức tranh toàn cảnh của ngành điện trong năm nay.
Cuộc đua phát triển pin lưu trữ và xe điện
Dù chuỗi cung ứng có thể gặp trở ngại, GlobalData vẫn dự báo 2025 sẽ là năm tăng trưởng mạnh mẽ của ngành pin lưu trữ và xe điện. Quá trình điện khí hóa trong lĩnh vực giao thông đang diễn ra với tốc độ nhanh, thúc đẩy nhu cầu về pin tăng vọt. Doanh số bán xe điện toàn cầu dự kiến đạt 13,68 triệu xe trong năm nay, tăng gần 30% so với năm ngoái.

Dù chuỗi cung ứng có thể gặp trở ngại, GlobalData vẫn dự báo 2025 sẽ là năm tăng trưởng mạnh mẽ của ngành pin lưu trữ và xe điện. Ảnh: Euronews
Raphael Héliot, Giám đốc chính sách tại E-Mobility Europe, nhận định giá nguyên liệu thô chỉ ảnh hưởng nhỏ đến tổng chi phí pin, nên không thể cản trở đà phát triển của ngành này. Pin lithium-ion (Li-ion) vẫn giữ vị trí thống lĩnh thị trường nhờ mật độ năng lượng cao và hiệu suất vượt trội. GlobalData ước tính doanh thu ngành pin Li-ion sẽ đạt 160 tỷ USD trong năm 2025, chiếm 95% tổng doanh số toàn cầu.
Tuy nhiên, thị trường đang chứng kiến sự trỗi dậy của các công nghệ pin mới như lithium - sắt phosphate (LFP) và natri-ion. Pin LFP đang mở rộng ảnh hưởng, đặc biệt tại Trung Quốc, nhờ chi phí thấp và không phụ thuộc vào niken hay cobalt. Trong khi đó, pin natri-ion dù có mật độ năng lượng thấp hơn Li-ion, nhưng lại an toàn hơn, bền vững hơn, phù hợp cho xe điện tầm ngắn.
Bên cạnh sự bùng nổ của xe điện, đầu tư vào cơ sở hạ tầng sạc cũng gia tăng đáng kể. Các công ty như Charge Zone và GLIDA đang rót hàng triệu USD để mở rộng mạng lưới trạm sạc, trong khi chính sách từ EU và bang California (Mỹ) tiếp tục thúc đẩy quá trình loại bỏ xe động cơ đốt trong.
Năm 2025 có thể đánh dấu bước chuyển mình quan trọng, với việc các mẫu xe điện giá rẻ hơn xuất hiện, giúp mở rộng thị trường. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump – nếu trở lại Nhà Trắng - có thể đặt ra những rào cản đáng kể cho ngành xe điện. Dù vậy, giới phân tích tin rằng nhu cầu từ người tiêu dùng vẫn sẽ là động lực chính thúc đẩy thị trường tăng trưởng, bất chấp những thách thức chính trị.
Hệ thống lưu trữ năng lượng sẽ là then chốt trong chuyển đổi năng lượng
Cùng với xe điện, các hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin (BESS) được dự báo sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định lưới điện, hỗ trợ năng lượng tái tạo. GlobalData dự đoán công suất BESS toàn cầu sẽ đạt 154,6 GW vào cuối năm 2025, tăng 56% so với năm trước. Dự kiến, thị trường này sẽ đạt 14,89 tỷ USD vào năm 2027.
BESS giúp cân bằng sự bất ổn của các nguồn điện tái tạo như gió và mặt trời, lưu trữ năng lượng dư thừa và cung cấp điện khi nhu cầu đạt đỉnh. Các khu vực có tham vọng lớn về năng lượng tái tạo như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và EU được kỳ vọng sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ trong việc triển khai hệ thống này.
Nhìn chung, năm 2025 hứa hẹn là một năm sôi động đối với ngành năng lượng, với những bước tiến lớn trong công nghệ pin, xe điện và hệ thống lưu trữ. Dù đối mặt với nhiều thách thức từ địa chính trị và chuỗi cung ứng, ngành điện vẫn đang thích nghi nhanh chóng, mở ra một tương lai đầy triển vọng cho quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.
Năng lượng hạt nhân và hydrogen
Trong bối cảnh nhu cầu điện toàn cầu gia tăng mạnh mẽ, năng lượng hạt nhân và hydrogen nổi lên như hai giải pháp chiến lược, mở đường cho sự chuyển đổi năng lượng bền vững. Các báo cáo mới nhất từ GlobalData và Hiệp hội Hạt nhân Thế giới (WNA) nhấn mạnh sự phát triển đầy hứa hẹn của hai lĩnh vực này trong năm 2025, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ và các doanh nghiệp toàn cầu.
Báo cáo của GlobalData khẳng định rằng, năng lượng hạt nhân sẽ có bước phát triển mạnh mẽ trong năm nay, đặc biệt trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) và các trung tâm dữ liệu đang thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ điện khổng lồ. Henry Preston, đại diện của WNA, nhận định: "Sự xuất hiện của các khách hàng công nghiệp lớn như ngành công nghệ và trung tâm dữ liệu đang tạo ra một động lực mới cho điện hạt nhân. Những ngành này không chỉ yêu cầu nguồn năng lượng sạch mà còn đòi hỏi sự ổn định và đáng tin cậy. Điều này mở đường cho các quan hệ đối tác công tư trong phát triển và tài trợ dự án hạt nhân".
Một trong những xu hướng nổi bật là sự trỗi dậy của lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR). Alexandra Wyler, đại diện của nhà sản xuất SMR Blykalla, cho biết: "SMR có thể đáp ứng nhu cầu điện DC công suất lớn cho AI và điện toán đám mây - hai lĩnh vực đang tăng trưởng nhanh chóng. Xu hướng hợp tác giữa các công ty công nghệ và những sáng kiến SMR tiên tiến sẽ tiếp tục mở rộng".
Hiện tại, khoảng 42,8 GW công suất SMR, tương đương với 279 lò phản ứng, đang trong giai đoạn quy hoạch trên toàn cầu. Trong đó, 22,8 GW đang ở giai đoạn công bố, 19,6 GW đang chờ cấp phép, 819 MW đang được xây dựng và 320 MW đang trong quá trình huy động tài chính. Dù vậy, tài chính vẫn là một thách thức lớn đối với SMR, bởi chi phí vốn cao và các quy trình quản lý kéo dài có thể làm chậm tiến độ triển khai.
Mặc dù còn nhiều rào cản, ngành công nghiệp hạt nhân vẫn duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ. Theo GlobalData, tổng sản lượng điện hạt nhân dự kiến đạt 2,67 TWh vào năm 2025, với 5 GW công suất bổ sung - gấp hơn 5 lần so với mức tăng trưởng 989 MW của năm 2023. Cùng với đó, ngày càng nhiều quốc gia cam kết tăng gấp ba công suất hạt nhân toàn cầu vào năm 2050, nâng tổng số nước ký kết từ 21 tại COP28 lên 31 tại COP29.
Hydrogen - Lời giải cho năng lượng tái tạo và lưu trữ
Cùng với năng lượng hạt nhân, hydrogen đang trên đà bùng nổ với xu hướng tập trung vào hydrogen xanh – nguồn nhiên liệu được kỳ vọng sẽ trở nên cạnh tranh về chi phí khi sản xuất quy mô lớn. Theo nghiên cứu của Hội đồng Hydrogen Thế giới (WHC), chi phí sản xuất hydrogen từ năng lượng tái tạo dự kiến giảm tới 60% trong thập kỷ tới, nhờ sự sụt giảm chi phí điện tái tạo và việc mở rộng sản xuất máy điện phân.
Không chỉ đóng vai trò là nhiên liệu sạch, hydrogen ngày càng được xem là giải pháp lưu trữ năng lượng tái tạo hiệu quả, giúp cải thiện hiệu suất thông qua kết hợp nhiệt và điện. Dự báo của GlobalData cho thấy, công suất sản xuất hydrogen xanh toàn cầu sẽ đạt 2,76 triệu tấn/năm vào cuối năm 2025, so với mức 270.000 tấn/năm của năm nay – một bước tiến đáng kể.
Bắc Mỹ hiện là khu vực dẫn đầu thị trường hydrogen toàn cầu, với hàng loạt dự án đang được triển khai. "Nhiều dự án lớn sẽ giúp Bắc Mỹ duy trì vị thế hàng đầu trong năm 2025. Trong khi đó, châu Á - Thái Bình Dương có nhiều tiềm năng nhưng vẫn cần thời gian để bắt kịp quy mô với Bắc Mỹ", GlobalData nhận định.
Úc, nhờ vào nguồn tài nguyên tái tạo dồi dào, cũng được đánh giá là nhân tố quan trọng trong nền kinh tế hydrogen xanh. Đồng thời, châu Âu đang đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này và có thể trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm trong những năm tới.
Sự phát triển mạnh mẽ của điện hạt nhân và hydrogen phản ánh xu thế tất yếu trong cuộc đua chuyển đổi năng lượng. Trong khi các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Nga và EU đang nỗ lực mở rộng các dự án hạt nhân và hydrogen, nhiều quốc gia khác cũng bắt đầu tham gia, tạo nên một cuộc cạnh tranh khốc liệt.
Với sự hậu thuẫn từ chính phủ và sự đầu tư mạnh mẽ từ khu vực tư nhân, năm 2025 hứa hẹn sẽ là một cột mốc quan trọng trong quá trình định hình tương lai năng lượng sạch và bền vững toàn cầu.
Bước sang năm 2025, ngành điện toàn cầu tiếp tục đối mặt với những biến động địa chính trị, kéo theo ảnh hưởng sâu rộng đến chuỗi cung ứng. Theo GlobalData, căng thẳng thương mại, tranh chấp tài nguyên và gián đoạn vận chuyển sẽ tác động trực tiếp đến tính hiệu quả và độ tin cậy của chuỗi cung ứng năng lượng. |
Theo Thế Duy (Báo Công thương)