Thứ nhất, do đặc điểm bên trong của doanh nghiệp chưa thật đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm để áp dụng. Bởi hệ thống quản lý chất lượng đòi hỏi tính bao quát, tổng hợp.
Thứ hai, nhận thức về việc đào tạo, nâng cao kỹ năng quản lý chưa được xem trọng.
Thứ ba, đầu tư cho công nghệ tự động hóa, sản xuất đòi hỏi chi phí, nguồn vốn lớn, trong khi khả năng tiếp cận, huy động vốn của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tốt. Ba đặc điểm này khiến cho phong trào năng suất của Việt Nam bị hạn chế.
Bên cạnh đó, đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa thì tính mạo hiểm, chấp nhận rủi ro vẫn còn thấp, trong khi sức cạnh tranh của doanh nghiệp nước ngoài ngày càng mạnh khiến doanh nghiệp trong nước “chần chừ”, và đây là thách thức lớn cần vượt qua.
Đề đảm bảo chất lượng sản phẩm, cải tiến năng suất…, chúng tôi không ngừng đầu tư, đổi mới dây chuyền sản xuất, áp dụng công nghệ cao. Doanh nghiệp không chỉ học hỏi, hợp tác công nghệ từ Hàn Quốc, Nhật Bản… mà còn hợp tác với các nước châu Âu.
Một trong những khó khăn đó là, khi đã đầu tư dây chuyền, công nghệ cao vào sản xuất rồi, chất lượng sản phẩm tốt rồi, thì giá cả phải cạnh tranh với thị trường không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu.
Từ yêu cầu đó, tôi cho rằng cải tiến công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất là hoạt động quan trọng, cần thiết trong doanh nghiệp, giúp nâng cao, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao hiệu quả và năng suất trong lao động.
Mặc dù vậy, khó khăn trong cải tiến quy trình, tôi cho rằng, thói quen chính là “lối mòn”. Doanh nghiệp đang làm quen với một quy trình và họ không muốn thay đổi. Bởi, doanh nghiệp nghĩ việc thay đổi quy trình ngay trước mắt sẽ làm ảnh hưởng năng suất (ít nhất là giai đoạn đang làm quen với quy trình mới). Với CADI-SUN, cải tiến quy trình sản xuất là hoạt động liên tục, xuyên suốt và được ưu tiên đặt lên hàng đầu.
Ông Huỳnh Tấn Quyền - Phó Tổng giám đốc CADI-SUN
MC: Cảm ơn ông Huỳnh Tấn Quyền! Như chúng ta biết, nhiều doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn trong lựa chọn, áp dụng phương pháp cải tiến quá trình sản xuất và quản lý chất lượng. Vậy theo ông Lê Minh Tâm - chuyên gia năng suất, trong bối cảnh này, doanh nghiệp có thể áp dụng phương pháp nào để cải tiến quá trình sản xuất và nâng cao chất lượng?
Ông Lê Minh Tâm: Cải tiến quá trình sản xuất và quản lý chất lượng có nhiều phương pháp, kỹ thuật hay công cụ cụ thể. Trong quá trình tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng rất đa đa dạng và có nhiều phương pháp khác nhau, từ góc độ chuyên môn theo tôi có thể chia làm hai nhóm phương pháp và công cụ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng.
Thứ nhất là dựa trên các nền tảng tiêu chuẩn, đặc biệt là tiêu chuẩn quốc tế như tiêu chuẩn quản lý của ISO, ví dụ: ISO 9001, ISO 22000, ISO 14000, ISO 27000, ISO 10000… Đây là cách tiếp cận một cách hệ thống, đồng bộ cho toàn tổ chức, đòi hỏi doanh nghiệp phải có cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo theo con đường dài, xây dựng mới chỉ là bước đầu, để duy trì, phát huy hiệu quả về năng suất và kinh tế đòi hỏi sự kiên trì.
Theo đuổi các hệ thống quản lý là những thứ bài bản và nước rút của doanh nghiệp lớn trên thế giới. Ở các nước, phần lớn tập đoàn và doanh nghiệp lớn đều chia sẻ những tiêu chuẩn mà họ áp dụng rộng rãi trên các diễn đàn.
Thứ hai, nếu chưa xây dựng thành tiêu chuẩn có thể xây dựng bằng các nguyên tắc hình thành dựa trên thực hành tốt nhất, thực hành theo nguyên tắc/nguyên lý và trình tự cụ thể như Lean, 6 Sigma, Kaizen, 5S, TPM… và nhiều phương pháp, kỹ thuật khác. Các phương pháp này có thể giao thoa với nhau cùng phối hợp để thực hiện giải quyết vấn đề cụ thể trong doanh nghiệp.
Nhìn chung đều có thể coi là phương pháp giải quyết vấn đề mà mục tiêu hướng tới là nâng cao năng suất, chất lượng. Trong chủ đề hôm nay thì đối tượng cần nghiên cứu là cải tiến quá trình sản xuất để đạt được mục tiêu trên. Những cách tiếp cận như PDCA, DMAIC cùng các công cụ như Process Mapping, NVAA, 7 QC tools, SPC, Brainstorming… thường được sử dụng để cải tiến quá trình sản xuất. Tuỳ vào từng chủ đề cải tiến hay vấn đề cần giải quyết mà phương pháp và công cụ cụ thể sẽ được lựa chọn. Cũng giống như bác sỹ kê đơn thuốc phải tuỳ thuộc vào loại bệnh và thể trạng của bệnh nhân vậy.
Ông Lê Minh Tâm - Giám đốc Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ TCĐLCL.
Chúng tôi nhận thấy ở doanh nghiệp hầu hết đều thiếu hiểu biết ngọn ngành ở các phương pháp, chính vì vậy công tác đào tạo rất quan trọng. Để lãnh đạo và người thực hiện hiểu, điều tiên quyết là cần được đào tạo, làm quen và thấm nhuần.
Thời gian qua, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (nay là Ủy ban TCĐLCLQG) đã phát hành rất nhiều cuốn sách về nâng cao năng suất chất lượng để hỗ trợ cho doanh nghiệp.
MC: Những công cụ cải tiến năng suất như Lean, Kaizen… có thể rất hữu ích trong cải tiến quy trình, tuy nhiên, thực tế các doanh nghiệp tại Việt Nam thường có nguồn lực hạn chế. Đại diện doanh nghiệp, Ông có thể chia sẻ những thách thức mà công ty của mình đã gặp phải khi triển khai các phương pháp này không?
Ông Huỳnh Tấn Quyền: Theo tôi, động lực thay đổi vẫn là quan trọng nhất trong những thách thức. Động lực thay đổi cần được triển khai từ những người cấp cao nhất. Đó là sự quyết tâm cải tiến. Doanh nghiệp cũng cần tạo ra động lực cho người lao động.
Tại CADI-SUN, người lao động cũng có nhiều sáng kiến cải tiến. Các cải tiến do người lao động đưa ra được công ty ghi nhận, thưởng bằng tiền và biểu dương trên các phương tiện truyền thông.
Cải tiến là phương thức đem lại chất lượng tốt hơn cho sản phẩm thì bài toán đầu tư không phải doanh nghiệp nào cũng làm được, và như tôi đã nói, sự quyết tâm của doanh nghiệp chính là động lực to lớn nhất. Chẳng hạn, muốn nhân công ít, năng suất cao, chất lượng tốt thì phải đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất, áp dụng công nghệ hiện đại, tự động hóa cao.
Với CADI-SUN, những năm qua đã cải tiến rất nhiều về công nghệ sản xuất. Nhà máy, nhà xưởng, dây chuyền thiết bị công nghệ được đầu tư mới đồng bộ của các nước tiên tiến trên thế giới để sản xuất dây cáp điện như: Niehoff (Đức), Frigeco (Ý), Setic (Pháp), Rosendahl (Áo), Rautomeat (Anh Quốc)… Các giải pháp về công nghệ 4.0 như phần mềm quản trị tổng thể doanh nghiệp ERP, dữ liệu tập trung (Big Data) hoặc kết nối vạn vật (Intenet of thing)...
Và như đã nói ở trên, khó khăn rất nhiều và chúng tôi cũng quyết tâm làm được. Chúng tôi nhận thức rằng, để làm được những điều này phải có nguồn lực tài chính đủ mạnh, đủ lớn để đầu tư; có sự quyết tâm cao từ lãnh đạo tới người lao động trong cải tiến, đổi mới. Bởi cho dù có thế nào thì việc cải tiến, thay đổi cũng sẽ bị ảnh hưởng tới nếp làm cũ, cách làm cũ… nên cần có sự quyết tâm mang tính đột phá (đặc biệt là cải tiến đưa các ứng dụng phần mềm, công nghệ 4.0 vào sản xuất, kinh doanh).
MC: Có thể nói, việc triển khai phương pháp cải tiến trong doanh nghiệp không phải chuyện dễ dàng. Vậy với vai trò là tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tại Việt Nam có thể nhận được những hỗ trợ gì trong áp dụng các phương pháp này để cải thiện năng suất và chất lượng, thưa ông?
Ông Tô Hoài Nam: Đối với câu hỏi này, anh Lê Minh Tâm và anh Huỳnh Tấn Quyền đã có những chia sẻ rất thiết thực. Tôi xin nhấn mạnh thêm một số ý như sau:
Thứ nhất, có nhiều kênh để thúc đẩy và hỗ trợ, các chương trình của Chính phủ, bộ, ngành; các đơn vị bên trong của bộ, ngành; trong đó có các chương trình ưu đãi về tài chính và thuế.
Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam.
Thứ hai, đối với việc đào tạo, tập huấn miễn phí thì doanh nghiệp có thể tiếp cận ở rất nhiều kênh. Tuy nhiên, lưu ý rằng làm về năng suất cần sự “theo đuổi” rất lớn, thay đổi liên tục, không thể nào làm đến một ngưỡng rồi dừng lại.
Thứ ba, nghiên cứu và phát triển thị trường, đây là yếu tố quan trọng tạo nên động lực để tiến hành đổi mới, định hướng tương lai cho doanh nghiệp.
Thứ tư, vấn đề liên kết, kết nối kinh doanh bởi doanh nghiệp nếu như đứng một mình rất khó phát triển. Liên kết tạo nên sự bổ sung cho nhau, tạo thành một chuỗi.
Thứ năm, thông qua các tổ chức quốc tế, có nhiều dự án hỗ trợ doanh nghiệp về mặt kỹ thuật, tài chính, thị trường, mục tiêu chính hướng đến sản xuất bền vững trên toàn cầu.
MC: Đúng như ông Nam đã chia sẻ, sự hỗ trợ từ các tổ chức là rất quan trọng để doanh nghiệp có thể cải tiến quá trình sản xuất. Tuy nhiên, vấn đề đào tạo nhân lực cũng rất đáng quan tâm. Thưa ông Tâm, ông có thể cho biết vai trò của đào tạo nhân lực trong nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đặc biệt là đối với doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam?
Ông Lê Minh Tâm: Đào tạo chưa bao giờ là không quan trọng cả. Như chuyên gia nổi tiếng của Nhật Bản, ngài Ishikawa, từng nói: “Quality control starts and ends with training” (quản lý chất lượng bắt đầu và kết thúc bằng đào tạo). Có thể thấy Nhật Bản đầu tư rất kỹ cho đào tạo và đạt được rất nhiều thành tựu lớn.
Qua nhiều năm làm với các tổ chức, doanh nghiệp về lĩnh vực quản lý chất lượng và cải tiến năng suất, tôi thấy yếu tố con người thực sựlà quan trọng nhất. Nếu nhân sự thực hiện nhiệm vụ cải tiến quá trình sản xuất mà thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng, hay thiếu tinh thần cầu tiến thì không khéo bản thân công việc cải tiến đó trở thành lãng phí.
Vì vậy, đào tạo cho nhân sự liên quan đến công cuộc cải tiến quá trình sản xuất để nâng cao năng suất chất lượng là việc thiết yếu: lãnh đạo cũng cần học để hiểu tổng thể, từ đó cam kết thực sự thông qua cung cấp đủ nguồn lực, chỉ đạo, theo dõi, đánh giá và khen thưởng/phạt kịp thời; nhân sự làm trực tiếp cần học để hiểu và làm chủ các phương pháp, công cụ cải tiến sản xuất từ đó ứng dụng trong công việc của mình. Đây là việc đầu tư cần thiết và quan trọng để đảm bảo sự thành công bền vững.
Ở góc độ chủ doanh nghiệp, khi phải bỏ một khoản ra để đầu tư, ví dụ di chuyển cái máy rất tốn kém có thể phải dỡ cả xưởng ra để đưa hệ thống máy cẩu để di chuyển, còn phía người công nhân sẽ nghĩ đơn giản di chuyển máy ra bên ngoài là xong, tuy nhiên, để hoàn lại khoản tiền đầu tư đó là bao giờ và cần làm gì để hoàn lại, thì việc đào tạo sẽ giúp cho doanh nghiệp có thể đưa ra được phương pháp hợp lý và hiệu quả để đầu tư vào đúng mục tiêu, tránh gây lãng phí và đạt hiệu quả tối ưu.
Có thể thấy, các nhà quản lý nên hạch toán kinh phí cho việc học là đầu tư chứ không phải là “chi phí”. Và đầu tư thì phải đảm bảo đúng và đủ qui mô, vì nếu đầu tư không đủ đảm bảo đến ngưỡng thì cũng có nguy cơ lãng phí.
Con người là trung tâm của việc cải tiến, và đào tạo là thiết yếu để con người đủ năng lực thực hiện, đảm bảo đạt được mục tiêu cải tiến đã đặt ra.
MC: Về phía doanh nghiệp, ông có thể chia sẻ cụ thể về một số biện pháp mà doanh nghiệp mình đã áp dụng để cải thiện năng suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm?
Ông Huỳnh Tấn Quyền: Đối với chúng tôi, ngoài việc duy trì hệ thống ISO giúp cải tiến và liên tục nâng cao chất lượng để sản phẩm có được giá cạnh tranh thì từ năm 2009, chúng tôi đã cử cán bộ sang các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản để học hỏi các công cụ cải tiến vì đây là những nước đi đầu trong các công cụ nâng cao năng suất. Sau khi đi thăm quan mô hình sản xuất ở Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước của châu Âu, CADI-SUN đã thiết lập hệ thống Kaizen (cải tiến để tốt hơn) và 5S trong doanh nghiệp (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng) và duy trì bộ máy từ công ty tới các nhà máy.
CADI-SUN ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để nâng cao năng suất.
Từ đây, chúng tôi đã triển khai toàn hệ thống và tạo ra động lực cho người lao động. Chúng tôi cũng tổ chức các chương trình sáng kiến để khuyến khích người lao động. Có nhiều sáng kiến được khen thưởng và chúng tôi cũng được cơ quan chức năng công nhận.
Tại doanh nghiệp chúng tôi, nhiệm vụ của Ban Kaizen/5S là tuyên truyền, động viên, khuyến khích người lao động (đặc biệt là lao động trực tiếp) phát huy sáng kiến cải tiến quy trình quản lý, cải tiến kỹ thuật… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong lao động.
Các sáng kiến từ nhỏ nhất (như in giấy in hai mặt) tới những sáng kiến có giá trị cao mang lại lợi ích cho doanh nghiệp hàng chục tỷ đồng\năm… Các sáng kiến không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu suất lao động, giải phóng sức lao động của công nhân, tiết kiệm nhiên liệu... đều được hội đồng xem xét, đánh giá (cả ngắn hạn và dài hạn) từ đó có phần thưởng xứng đáng cho các tập thể/cá nhân có sáng kiến (nhiều tập thể, cá nhân đã được thưởng hàng trăm triệu đồng). Đến nay, công ty đã có 8 sáng kiến được Sở KH&CN TP.Hà Nội xét công nhận:
1. Sáng kiến cải tiến lò đồng 05 - Hoàng Dương;
2. Sáng kiến cải tiến cách thức sản xuất cáp CF10-CF500 mm2;
3. Sáng kiến Chuyển đổi công nghệ bọc nhựa cách điện cáp hạ thế từ nhựa XLPE 1;
4. Sáng kiến Tự động hóa máy ép ben nhôn A7;
5. Sáng kiến Chế tạo bánh ty lồng thu 8.0mm máy đúc đồng số 01 và 03 tại nhà máy Hoàng Dương;
6. Sáng kiến Cân dầu, bột tự động cho máy Tạo hạt TH01, TH02, TH03, TH04 tại nhà máy Hoàng Dương;
7. Sáng kiến Hệ thống sang bin tự động tại máy rút trung 01 – Hàn Quốc;
8. Sáng kiến Cải tiến hệ thống bơm nước làm mát cho dây chuyền 6 máy bọc - Hoàng Dương;
Nhờ những sáng kiến, công cụ nói trên doanh nghiệp đã tạo được cho mình lối đi riêng. Và hơn hết, chúng tôi đã áp dụng hệ thống ERP để quản lý dữ liệu và nâng cao năng suất. Nhờ công nghệ mà chúng tôi quản lý nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Vậy nên, hệ thống quản trị tổng thể doanh nghiệp ERP là cải tiến mang tính đột phá và sâu rộng ở doanh nghiệp. Thay vì trước đây dữ liệu quản lý rải rác ở máy tính này, sever kia hoặc tài liệu nọ thì nay sử dụng hệ thống dữ kiệu Big Data (quản lý dữ liệu tập trung) đồng nhất.
Các dữ liệu cấu thành dựa trên nền tảng online tức là công đoạn trước nhập liệu công đoạn sau kế thừa và cho ra kết quả tức thì mà không bị rào cản không gian, thời gian làm ảnh hưởng. Các tính toán truyền thống trước đây dựa trên phần mềm đơn lẻ hoặc exell, tính toán bằng máy tính bên ngoài nay được ERP đưa vào thuật toán để phần mềm tính toán thay cho con người đảm bảo nhanh và chính xác cao.
Tuy nhiên như tôi nói ở trên, việc cải tiến là rất tốt nhưng khó khăn nhất vẫn là thay đổi tư duy, cách làm cũ (đơn giản, không tốn nhiều nguồn lực, dễ làm) sang cách làm mới phức tạp, tốn nhiều nguồn lực và kết quả đầu ra cần có thời gian kiểm chứng. Và chúng tôi vẫn đang tiếp tục tìm kiếm các chương trình, những cải tiến mới tốt hơn và hiệu quả hơn để vươn tầm thế giới.
MC: Ngoài nâng cao năng suất chất lượng, một trong những yêu cầu bức thiết với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay là phát triển bền vững. Thưa ông Nam, vậy phía Hiệp hội đã có những hoạt động gì để hỗ trợ doanh nghiệp hướng đến phát triển bền vững?
Ông Tô Hoài Nam: Trước tiên, chúng tôi tập trung vào vấn đề nhận thức, tuyên truyền để doanh nghiệp hiểu về phát triển bền vững. Bên cạnh đó cần có sự đào tạo bài bản, việc áp dụng các công cụ cải tiến năng suất như trao đổi của anh Lê Minh Tâm là vô cùng cần thiết.
Chúng tôi đang tập trung tuyên truyền đào tạo về trí tuệ nhân tạo AI. Hiệp hội DNNVV có 29 đơn vị sự nghiệp trực thuộc và 2 Viện nghiên cứu, tuy nhiên phải thừa nhận rằng để hiểu về trí tuệ nhân tạo vẫn còn lúng túng. Vì vậy chúng tôi luôn nỗ lực để đưa trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số đến gần hơn với doanh nghiệp.
Tiếp theo là vấn đề xây dựng chính sách, Hiệp hội DNNVV là một tổ chức theo đánh giá của Đảng và Nhà nước, chúng tôi có lượng hội viên lớn nhất cả nước, muốn phát triển được phải xây dựng chính sách tốt. Hiện, khung chính sách dành cho doanh nghiệp đang rất mở, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Phòng thử nghiệm của CADI-SUN.
Chúng tôi cũng đang nghiên cứu “Chỉ số đo lường phát triển bền vững đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ”, đặc biệt đối với doanh nghiệp làng nghề để giúp họ hiểu được điều gì nên làm, điều gì không nên làm hướng đến phát triển bền vững.
MC: Những sáng kiến và chiến lược mà các tổ chức hỗ trợ đưa ra thực sự rất quan trọng. Thưa ông Tâm - chuyên gia Năng suất, ông có thể đưa ra một số lời khuyên cho các doanh nghiệp về cách thức tiếp cận và triển khai việc cải tiến quá trình sản xuất sao cho hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất?
Ông Lê Minh Tâm: Chủ doanh nghiệp khi vào công cuộc cải tiến quy mô quá trình sản xuất cũng muốn hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Vì vậy, thường mời các tổ chức tư vấn hỗ trợ tham gia vào để hướng đến con đường đi đúng, vì đi đúng mới hiệu quả và hiệu quả thì mới tiết kiệm.
Tuy nhiên, cần quay lại khái niệm thế nào là hiệu quả và thế nào là tiết kiệm, tiết kiệm không cẩn thận thành ra làm sao để chi tiêu ít nhất. Khi đã làm cần làm đầy đủ và bài bản, hiểu rõ cốt lõi của tiết kiệm đúng với đích cần đạt đến.
Tiết kiệm và hiệu quả thường đi xong hành với nhau, hiệu quả chính nó là tiết kiệm, trong khái niệm của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO), được tính theo công thức Output/Input hay “kết quả đầu ra chia cho đầu vào (nguồn lực)”. Để tăng năng suất, theo công thức của APO, chúng ta có 5 cách khác nhau như: Giữ đầu ra, giảm đầu vào; Tăng đầu ra, giữ đầu vào; Tăng đầu ra mạnh, tăng đầu vào; Giảm đầu ra, giảm đầu vào mạnh; Tăng đầu ra, giảm đầu vào (đổi mới sáng tạo) và cả 5 cách đó đều là có hiệu quả. Nguyên tắc là như thế, tiết kiệm chi phí phải hiểu như thế nào? Liệu cứ không phải chi ra, hay chi ra thật ít tiền gọi là “tiết kiệm chi phí”? Theo tôi, chữ tiết kiệm nó gắn liền với “hiệu quả”, ý là với mỗi đồng chi phí bỏ ra thì nó đều mang lại hiệu quả như mong đợi. Và chi phí bỏ ra phải đúng và đủ thì là tiết kiệm.
Với cải tiến quá trình sản xuất, theo tôi, để thành công (hiệu quả) thì cần mấy yếu tố: thứ nhất, cam kết của lãnh đạo: lãnh đạo phải hiểu, phải khát khao/mong muốn và cam kết bằng hành động cụ thể như đầu tư nguồn lực (đúng và đủ), công sức và thời gian cho việc cải tiến sản xuất này. Lãnh đạo cũng cần tạo ra cơ chế khuyến khích việc cải tiến quá trình, có chính sách ghi nhận, khen thưởng những thành quả của cải tiến. Đồng thời thúc đẩy việc cải tiến quá trình như là một phần của công việc hàng ngày (chứ không phải là làm thêm việc).
Thứ hai, tiếp cận phải mang tính hệ thống, với tầm nhìn dài hạn. Khi mới tổ chức thực hiện thì có thể triển khai với phạm vi và qui mô nhỏ để đảm bảo tìm được cách làm phù hợp với tổ chức của mình (phù hợp với thực lực, với nhân sự và văn hoá cụ thể của tổ chức).
Thứ ba, đầu tư nghiêm túc cho việc học tập/đào tạo để thực sự hiểu cách làm, phương pháp làm, kỹ thuật và công cụ cải tiến quá trình. Người làm mà hiểu lơ mơ thì khó mà đi đến đích được, có chăng là gặp may mà thôi. Các kiến thức và kỹ năng cụ thể như phân tích quá trình, xác định vấn đề, giải quyết vấn đề…với những chu trình như PDCA, DMAIC .. hay công cụ QC tools (7 công cụ cũ, 7 công cụ mới), đánh giá lựa chọn dự án, thu thập và phân tích dữ liệu… đều cần học để làm chủ được chúng. Khi đó nhân sự thực hiện cải tiến quá trình mới làm việc hiệu quả được.
Thứ tư, cải tiến quá trình có thể bắt đầu bằng những điểm không phù hợp (NC) được phát hiện ra (cách này thường phổ biến), hoặc bắt đầu bằng những cơ hội cải tiến (OFI).
MC: Thưa ông Huỳnh Tấn Quyền, CADI-SUN có kế hoạch, lộ trình ra sao trong việc ứng dụng công nghệ tại công ty mình?
Ông Huỳnh Tấn Quyền: CADI-SUN trước nay vẫn tư duy chủ đạo và quan điểm then chốt bám sát chính sách ba nhất: Chất lượng tốt nhất; Giá thành hợp lý nhất; Dịch vụ sau bán hàng hoàn hảo nhất. Để đạt được ba chính sách trên trong tương lai chúng tôi vẫn không ngừng đổi mới, cải tiến: Thứ nhất, CADI-SUN tiếp tục đầu tư nhà máy, dây chuyền công nghệ hiện đại của châu Âu để duy trì chất lượng sản phẩm nổi trội so với thị trường; Thứ hai, liên tục cải tiến quy trình, công nghệ sản xuất, hệ thống quản lý nhằm giảm thiểu các chi phí cơ hội, có mức giá bán hợp lý để có thể cạnh tranh trên thị trường; Thứ ba, ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động quản lý, sản xuất.
Hiện tại CADI-SUN đã có ERP, có Big Data, có Internet of think. Trong tương lai CADI-SUN sẽ tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng thêm “chuyển đổi số”, ứng dụng “tự động hóa bằng robot” và trí tuệ nhân tạo AI vào hoạt động quản lý và sản xuất, kinh doanh.
MC: Thưa ông Nam, ông nghĩ sao về tương lai của doanh nghiệp Việt Nam trong việc ứng dụng công nghệ số và tự động hóa để cải tiến quá trình sản xuất? Đây có phải là xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc không?
Ông Tô Hoài Nam: Công nghệ số và tự động hóa là tất yếu, vì nó được hình thành bởi một số thành tố sau: Thứ nhất, nếu doanh nghiệp thực hiện sẽ giúp nâng cao năng suất; Thứ hai, cải thiện chất lượng sản phẩm, đây là xuất phát từ nhu cầu thực tế; Thứ ba là tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đây là trụ cột quan trọng nhất hướng đến phát triển bền vững cho mỗi quốc gia trên thế giới.
Tôi khẳng định việc ứng dụng công nghệ số và tự động hóa để cải tiến quá trình sản xuất không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là yêu cầu tất yếu trong quá trình sản xuất kinh doanh, phát triển, đặc biệt là trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của đất nước, dân tộc.
MC: Vâng, thưa quý vị, chúng ta đã có một buổi tọa đàm rất thú vị và bổ ích với nhiều chia sẻ, thảo luận sôi nổi từ các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp. Qua những câu chuyện thực tế và giải pháp được đưa ra, chắc chắn rằng doanh nghiệp sẽ có thêm định hướng rõ ràng để cải thiện quá trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm từ đó gia tăng năng suất lao động, cạnh tranh hiệu quả hơn trên thị trường.
Quá trình cải tiến không phải điều dễ dàng, nhưng với sự quyết tâm và sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, tổ chức, Hiệp hội, cũng như sự đổi mới trong tư duy và áp dụng công nghệ, doanh nghiệp sẽ vượt qua được thách thức và phát triển bền vững trong tương lai.
Chúng tôi hy vọng, sau buổi tọa đàm này, các doanh nghiệp sẽ tìm được những chiến lược và giải pháp phù hợp và quan trọng nhất là có thể áp dụng vào thực tiễn để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Một lần nữa, xin cảm ơn các vị khách mời đã tham gia và chia sẻ những kiến thức quý báu. Cảm ơn quý vị khán giả đã dành thời gian theo dõi và tham gia chương trình.
Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại!
Theo Tạp chí Chất lượng Việt Nam