Chuyên gia đánh giá, thị trường bất động sản có sự phục hồi nhưng còn chậm, không đồng đều giữa các phân khúc, địa bàn và tiềm ẩn một vài yếu tố bất thường.Tăng giá quá chóng vánhTheo báo cáo từ Bộ Xây dựng, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội đã tăng mạnh trong quý vừa qua, với mức tăng từ 4-6% theo quý và 22-25% theo năm đối với các dự án mới. Đặc biệt, giá bán chung cư cũ cũng tăng đáng kể, có nơi tăng tới 35-40% so với quý trước.
Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, ông Cấn Văn Lực, nhận định rằng thị trường bất động sản đang phục hồi nhưng không đồng đều và tiềm ẩn nhiều yếu tố bất thường. Ông cho biết, từ năm 2019 đến nay, giá bất động sản đã tăng từ 50-70%, chủ yếu ở phân khúc chung cư và đất nền, do thiếu hụt nguồn cung.
Ông Lực cũng chỉ ra rằng tín dụng cho vay nhà ở tăng chậm, chỉ bằng 1/3 so với tín dụng cho vay đầu tư bất động sản, cho thấy giá nhà vẫn cao khiến người dân lưỡng lự trong việc vay mua nhà. Ông khuyến nghị các doanh nghiệp cần cân nhắc điều chỉnh giá bán về mức hợp lý hơn.
Theo chuyên gia, các chính sách mới về đất đai và nhà ở được thông qua gần đây (như Nghị quyết về thị trường bất động sản và nhà ở xã hội, thí điểm cơ chế đặc thù và tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất…) được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi đáng kể cho thị trường. Song, bất chấp những nỗ lực điều chỉnh từ chính sách, việc sở hữu nhà ở của người dân Việt Nam vẫn là một bài toán khó, đặc biệt là với thế hệ trẻ.
Chia sẻ về giá chung cư thời gian qua, bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc cao cấp CBRE chi nhánh Hà Nội nói: "Gần như lần đầu tiên chung cư Hà Nội tăng giá nhanh trong thời gian ngắn như vậy".
Theo bà, phân tích lịch sử chỉ ra rằng khoảng 10 năm vừa qua, giá chung cư Hà Nội tăng trung bình 5%/năm. Thậm chí giai đoạn 2009-2019, giá chung cư ít biến động, có thời gian giảm giá và trung bình chỉ tăng 2%/năm. Từ năm 2022 đến nay, giá chung cư tại thành phố này mới bắt đầu tăng nhanh.
Ông Lê Đình Chung - chuyên gia bất động sản - cho biết, xu hướng tăng giá bất động sản là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, việc giá bất động sản tăng trưởng mạnh trong một thời gian rất ngắn là điều bất bình thường.
"Giá bất động sản tăng cao, nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn rất khan hiếm so với nhu cầu. Chi phí đầu tư tăng cao, khiến các chủ đầu tư đặt kỳ vọng cao hơn về lợi nhuận", ông Chung nói.
Một khu chung cư tại Hà Nội (Ảnh: Trần Kháng).Nhận diện sự "tiếp tay" của đầu cơÔng Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) - đánh giá giai đoạn vừa qua giá chung cư tăng bất thường, đặc biệt tại Hà Nội.h
Ông cho rằng, hiện tượng này chắc chắn có sự tác động từ nhóm lợi ích trong khi bối cảnh kinh tế, thị trường cũng như thu nhập của người dân chưa hồi phục. "Giá nhà tăng cao, nhưng giao dịch lại không xuất hiện nhiều, đây có thể là chiêu trò nào đó của một nhóm đầu tư có mục đích không trong sáng", ông Đính thẳng thắn đánh giá.
Theo ông, những nhóm lợi ích này thực hiện được các chiêu trò thổi giá xuất phát từ thực tế nguồn cung căn hộ chung cư đang có vấn đề. Trong vài năm gần đây, thị trường không có dự án mới được phê duyệt cấp phép đầu tư. Các dự án trên thị trường chủ yếu là dự án cũ và được mua đi bán lại. Nguồn cung vừa thiếu vừa kém chất lượng, cung cho người dân, người thu nhập thấp rất ít, cấu trúc sản phẩm không phù hợp.
Bà Phạm Thị Miền - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam - cho rằng, bên cạnh những kết quả xuất phát từ cung, cầu thực tế, thị trường cũng đã xuất hiện những dấu hiệu "tạo nhiệt". Tình trạng này thể hiện qua việc đầu cơ đất đai, đẩy giá nhà ở, và phát sinh các giao dịch bất động sản thiếu minh bạch.
Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia thị trường với mục đích lướt sóng, khiến giá bất động sản bị đẩy lên cao bất hợp lý. Dấu hiệu "tạo nhiệt" còn thể hiện ở phân khúc căn hộ với mặt bằng giá chào bán căn hộ chuyển nhượng ngày càng cao, do sự "tiếp tay" của một số nhóm đầu cơ.