Đổi mới công nghệ để năng suất, chất lượng sản phẩm tốt hơn

Sự kiện nổi bật

Đổi mới công nghệ để năng suất, chất lượng sản phẩm tốt hơn

Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, cải tiến năng suất, nhiều doanh nghiệp không ngừng đầu tư, đổi mới dây chuyền sản xuất, áp dụng công nghệ cao. Doanh nghiệp cũng tích cực học hỏi, hợp tác công nghệ từ nhiều nước tiên tiến trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản hay các quốc gia Châu Âu để đưa sản phẩm vươn tầm thế giới.

Đổi mới công nghệ để có năng suất cao hơn, chất lượng sản phẩm tốt hơn

CADI-SUN ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để nâng cao năng suất. Ảnh: Hoàng Dương

Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam nhận định, ứng dụng công nghệ số và tự động hóa là tất yếu đặc biệt là trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Theo ông Nam, điều này không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên mà còn là trụ cột quan trọng hướng đến phát triển bền vững.

Ở góc độ của doanh nghiệp, ông Huỳnh Tấn Quyền - Phó Tổng Giám đốc CADI-SUN chia sẻ, doanh nghiệp luôn lấy năng suất, chất lượng làm thước đo cho sản phẩm. Chính vì vậy, từ những năm đầu mới thành lập, CADI-SUN liên tục cử cán bộ đi học tập các mô hình tăng năng suất tại những nước tiên tiến để về áp dụng cho nhà máy, dây chuyền sản xuất của mình.

Theo ông Quyền, nhờ sự quyết tâm cao độ của ban lãnh đạo trong cải tiến năng suất mà doanh nghiệp đã giải được bài toán nâng cao chất lượng sản phẩm. CADI-SUN đã cải tiến rất nhiều về công nghệ sản xuất. Từ nhà máy, nhà xưởng, dây chuyền thiết bị công nghệ được đầu tư đồng bộ của các nước tiên tiến trên thế giới để sản xuất dây cáp điện.

“Chúng tôi nhận thức rằng, để làm được điều này phải có nguồn lực tài chính đủ mạnh, đủ lớn để đầu tư; có sự quyết tâm cao từ lãnh đạo tới người lao động trong cải tiến, đổi mới. Bởi cho dù thế nào thì việc cải tiến, thay đổi cũng sẽ bị ảnh hưởng tới nếp làm cũ, cách làm cũ… nên cần có sự quyết tâm mang tính đột phá (đặc biệt là cải tiến đưa ứng dụng phần mềm, công nghệ 4.0 vào sản xuất, kinh doanh)”, ông Quyền nói.

Dưới góc nhìn của chuyên gia năng suất, ông Lê Minh Tâm - Giám đốc Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia cho biết, để tăng năng suất doanh nghiệp cần quan tâm đến 4 tiêu chí. Thứ nhất, cam kết của lãnh đạo: lãnh đạo phải hiểu, phải khát khao/mong muốn và cam kết bằng hành động, cụ thể như đầu tư nguồn lực (đúng và đủ), công sức và thời gian cho việc cải tiến sản xuất này. Lãnh đạo cũng cần tạo ra cơ chế khuyến khích việc cải tiến quá trình, có chính sách ghi nhận, khen thưởng những thành quả của cải tiến. Đồng thời thúc đẩy việc cải tiến quá trình như là một phần của công việc hàng ngày (chứ không phải là làm thêm việc).

Thứ hai, tiếp cận phải mang tính hệ thống, với tầm nhìn dài hạn. Khi mới tổ chức thực hiện có thể triển khai với phạm vi và qui mô nhỏ để đảm bảo tìm được cách làm phù hợp tổ chức của mình (phù hợp với thực lực, nhân sự và văn hoá cụ thể của tổ chức).

Thứ ba, đầu tư nghiêm túc cho việc học tập/đào tạo để thực sự hiểu cách làm, phương pháp làm, kỹ thuật và công cụ cải tiến quá trình. Các kiến thức và kỹ năng cụ thể như phân tích quá trình, xác định vấn đề, giải quyết vấn đề… với những chu trình như PDCA, DMAIC... hay công cụ QC tools (7 công cụ cũ, 7 công cụ mới), đánh giá lựa chọn dự án, thu thập và phân tích dữ liệu… đều cần học để làm chủ được chúng. Khi đó nhân sự thực hiện cải tiến quá trình mới làm việc hiệu quả được.

Thứ tư, cải tiến quá trình có thể bắt đầu bằng những điểm không phù hợp (NC) được phát hiện ra (cách này thường phổ biến), hoặc bắt đầu bằng những cơ hội cải tiến (OFI).

Theo Báo Lao động
Lượt xem: 1609
Họ tên*
Địa chỉ Email*
Tiêu đề*
Nội dung*